Thời sự và bàn luận
Tự đổi mới vì phát triển đất nước
70 năm qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp trong hệ thống chính trị gần như không thay đổi. Một hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh, nay đã không còn phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường, thậm chí là rào cản, trở ngại cho sự phát triển.
Vì vậy trong giai đoạn tới, việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ, đổi mới về kinh tế là một yêu cầu hết sức cấp bách. Đảng là người lãnh đạo cao nhất của đất nước, cần chủ động, nghiêm khắc đánh giá lại chính mình và thực hiện nghiêm chỉnh những nghị quyết mà Đại hội Đảng toàn quốc đã xác định.
Kiên quyết đổi mới cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị để hoạt động có hiệu quả hơn, thực chất hơn. Đây là nhân tố tiên quyết, quan trọng nhất cho quá trình đổi mới tiếp theo.
Làm tốt điều này, Đảng sẽ lấy lại niềm tin trong nhân dân bằng tấm gương tự đổi mới, tự lãnh đạo hiệu quả của mình đối với đất nước và dân tộc.
Những lời tâm huyết của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nhận được sự đồng tình của các đại biểu dự Đại hội cũng như dư luận, bởi đây chính là đòi hỏi bức thiết, không chỉ của Đảng mà chính là vì sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Bởi Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là Đảng lãnh đạo mà là Đảng cầm quyền, đưa đất nước Việt Nam “đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, nhất là ghi dấu ấn mạnh mẽ với thành tựu của 30 năm đổi mới.
Đặc biệt, Đại hội lần thứ XII của Đảng được xem như là dấu mốc để tiếp tục cho sự nghiệp đổi mới của Đảng trên một chặng đường mới, trong thời cơ và vận hội cũng như những thách thức mới của thời đại.
Bởi vì, theo phân tích của các chuyên gia, Việt Nam trong giai đoạn sắp tới sẽ chuyển sang một giai đoạn hội nhập quốc tế sâu sắc và mạnh mẽ, khi Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) thông qua nội dung về tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); năm 2015, Việt Nam ký kết và hiện thực hóa nhiều hiệp định thương mại với các khu vực và các nước trên thế giới, đặc biệt là việc hình thành Cộng đồng ASEAN... Vì vậy, việc đổi mới hệ thống chính trị, trong đó có đổi mới hoạt động của Đảng là yêu cầu bức thiết để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong tình hình mới.
“Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xác định rõ quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách; quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”.
Đó là những yêu cầu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra trong định hướng thời gian tới đối với Đảng trong báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng. Yêu cầu đó được Tổng Bí thư nêu rõ trong nhiệm vụ đầu tiên của 6 nhiệm vụ của Đảng nhiệm kỳ 2016-2020 là “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Trong lịch sử 86 năm ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã có những cuộc tự đổi mới, tự chỉnh đốn thành công trước những đòi hỏi của thời cuộc cách mạng; từ đó đem lại những thành tựu nổi bật trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và đổi mới kinh tế, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Vì vậy, trước vận hội, thời cơ và thách thức mới của đất nước, yêu cầu về đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là cần thiết. Sự đổi mới của Đảng, không chỉ là yêu cầu tự thân, mà chính là vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Làm được điều đó trong giai đoạn mới này, Đảng Cộng sản Việt Nam mới tiếp tục xứng với danh hiệu “Đảng ta”.
ANH QUÂN