.

"Máu" rừng vẫn chảy

.

Chưa bao giờ dư luận Đà Nẵng lại quan tâm đến công tác bảo vệ rừng cũng như trách nhiệm của các bên liên quan khi để xảy ra tình trạng phá rừng một cách tùy tiện như hiện nay. Bởi lẽ, đã có rất nhiều vụ phá rừng xảy ra suốt thời gian qua. Hậu quả nhãn tiền đã rõ, nhưng để khắc phục thì cần một thời gian rất dài, thậm chí là không thể! Vậy nguyên nhân do đâu?

Quá trình quy hoạch, chỉnh trang đô thị đặt ra một nhu cầu bức thiết về vấn đề chôn cất, tìm “nhà” cho người đã khuất. Điều đó cũng là lẽ thường tình, phù hợp với đạo nghĩa ở đời. Tuy nhiên, cũng chính vì lý do khá nhạy cảm và tế nhị này nên nhiều người đã bất chấp quy định của pháp luật để lừa đảo, chuyển nhượng sai mục đích hàng ngàn m2 đất, mà đúng ra chỉ được trồng cây.

Người bị hại phần vì cả tin, phần vì không nắm rõ quy định, địa hình nên dễ dàng trở thành nạn nhân. Khi sự việc vỡ lở cũng không dám phản ứng vì đã “mồ yên mả đẹp” nên đành “nín thở” chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Mới đây nhất, khu rừng Trung Sơn tồn tại hơn 300 năm tuổi đã bị chặt, đốt không thương tiếc. Đối tượng nào gây ra sự việc này cũng như động cơ chính vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Nhưng rõ ràng một thực tế, vì lợi ích mà nhiều người sẵn sàng phá bỏ mọi thứ, kể cả những tán cây tồn tại hàng trăm năm, có giá trị lịch sử, tâm linh rất lớn.

Qua nhiều câu chuyện liên quan đến việc chặt phá cây rừng, chuyển nhượng đất rừng sai quy định của pháp luật cho thấy trách nhiệm của cơ quan chức năng vẫn chưa được đặt đúng chỗ. Có những sự việc xảy ra suốt một thời gian dài nhưng cơ quan chịu trách nhiệm lại bị động, lúng túng trước sai phạm khiến sự việc càng trở nên nghiêm trọng, khó có cơ hội vãn hồi.

Vì thế, mỗi ngày vẫn có những gốc cây, khối gỗ bị đốn hạ không thương tiếc để chuyển đổi đất sai quy định. Sai phạm vẫn nối tiếp sai phạm mà không có điểm dừng. Người dân, từ việc vi phạm quy định của Nhà nước dần dần cũng xem hành vi của mình là hợp lý, bởi cơ quan chức năng không có một chế tài, biện pháp ngăn cản nào. Nếu có cũng chỉ là “đá ném ao bèo”.

Nói về chế tài xử phạt, một cán bộ làm công tác địa chính xã lâu năm cũng thừa nhận rằng, mức xử phạt được nêu trong Nghị định 102 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai vẫn còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe, trong khi hành vi bán đất rừng trái phép mang lại lợi nhuận rất lớn.

Sự chênh lệch này cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân không quan tâm nhiều đến số tiền phải nộp mà chỉ bận tâm đến nguồn lợi nhuận thu được quá lớn sau mỗi lần thực hiện hành vi sai trái.

Diện tích rừng của thành phố Đà Nẵng không nhiều. Nhưng mỗi khu vực đều có những giá trị rất lớn về lịch sử, tín ngưỡng tâm linh cũng như công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Mỗi mảnh rừng bị xóa sổ đồng nghĩa với việc hệ sinh thái bị đảo lộn hoàn toàn, môi trường bị xâm hại nghiêm trọng. Câu chuyện bảo vệ rừng, bảo vệ lá phổi xanh chưa bao giờ có hồi kết bởi vẫn còn quá nhiều câu hỏi chưa được trả lời, trong đó có vai trò, trách nhiệm của cơ quan có liên quan.

PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.