Thời sự và bàn luận
Xây dựng nền hành chính phục vụ dân
Theo báo cáo về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2015 vừa được công bố ngày 12-4, Đà Nẵng tiếp tục nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu trong suốt giai đoạn 2011-2015. Điều này một lần nữa khẳng định những nỗ lực không ngừng của chính quyền thành phố trong việc xây dựng một nền hành chính phục vụ dân, xem sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là mục tiêu phấn đấu quan trọng nhất của hệ thống chính quyền các cấp.
Năm 2015, trong 6 chỉ số lĩnh vực nội dung (tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công), chỉ số “tham gia của người dân ở cấp cơ sở” tăng điểm so với năm 2014.
Một trong những nội dung thành phần để đánh giá chỉ số này là cơ hội tham gia của người dân vào những việc ở cơ sở như: bầu trưởng thôn, tổ trưởng dân phố; đóng góp cho công trình công cộng ở xã, phường…
Với việc tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động của tổ dân phố, thôn trên địa bàn thành phố, cấp ủy, chính quyền các địa phương ở Đà Nẵng đã nâng cao chất lượng hoạt động của tổ dân phố, cải thiện cách thức giải quyết các ý kiến, kiến nghị của người dân và vì vậy, người dân tham gia tích cực hơn vào các hoạt động ở cơ sở, mạnh dạn đóng góp ý kiến đối với những chủ trương, chính sách của địa phương.
Báo cáo PAPI 2015 cho thấy, ở nhiều địa phương, mức độ công khai, minh bạch về kế hoạch sử dụng đất và khung giá đất tiếp tục giảm sút, người dân ít có cơ hội đóng góp ý kiến cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương hơn trước.
Tuy nhiên, đối với Đà Nẵng - một địa phương vẫn đang tiến hành nhiều dự án, chương trình quy hoạch, chỉnh trang đô thị, việc công khai, minh bạch chi tiết dự án, chương trình phát triển là điều cần thiết và chính quyền thành phố đã làm khá tốt nội dung này. Chẳng hạn như việc lấy ý kiến người dân để xây dựng trung tâm thương mại ở khu vực chợ Cồn; hay gần đây nhất là công bố dự án nút giao thông Điện Biên Phủ-Nguyễn Tri Phương…
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế là điểm một số chỉ số lĩnh vực nội dung của Đà Nẵng giảm nhẹ so với năm 2014, trong đó, đáng chú ý là nội dung “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”. Dù tỷ lệ điểm giảm không đáng kể nhưng đó cũng là điều đáng để chính quyền thành phố lưu tâm khi muốn xây dựng một nền hành chính thật sự trong sạch.
Khi PAPI 2015 được công bố, có lẽ nhiều người dân sẽ không quan tâm vị trí của Đà Nẵng ở đâu trong danh sách 63 tỉnh, thành mà điều quan trọng hơn cả là ngày mai và những ngày tiếp sau nữa, khi cần thực hiện những giao dịch hành chính công thì việc cung ứng dịch vụ của bộ máy chính quyền thành phố có thông suốt không, có mang đến sự hài lòng cho người dân không và liệu họ có bị gây phiền hà, nhũng nhiễu khi thực hiện các thủ tục hành chính không.
Vấn đề người dân quan tâm có khi đơn giản chỉ là việc công khai, minh bạch phí dịch vụ và trả kết quả làm thủ tục đúng lịch hẹn khi thực hiện các giao dịch hành chính công. Người dân cũng trông đợi chính quyền bảo đảm công bằng về quyền lợi tham gia quản trị và tiếp cận dịch vụ công.
Họ phải có quyền biết và phản biện dự án phát triển của thành phố nếu thấy chưa hợp lý, hoặc có thể đề xuất những giải pháp cải thiện chất lượng dân sinh trên cơ sở nhu cầu thực tiễn. Và song song đó, bất cứ người dân nào cũng có thể tiếp cận các dịch vụ công một cách thuận lợi, được phục vụ với chất lượng tốt, được tiếp đón ân cần, niềm nở bởi những người được xem là “công bộc của dân”.
Về phía chính quyền thành phố, PAPI chỉ ra được những vấn đề mà người dân quan tâm. Đó có thể là vấn đề giảm nghèo, việc làm hay cải thiện hạ tầng giao thông, bảo đảm an ninh, trật tự, tham nhũng… Trách nhiệm của chính quyền thành phố là làm sao nắm bắt những điểm mạnh để tiếp tục phát huy và nhìn rõ những điểm còn hạn chế để xây dựng chính sách và có những hành động thực tiễn để phục vụ dân ngày càng tốt hơn.
Ngoài ra, một trong những vấn đề quan trọng khác là thành phố kiểm soát tham nhũng trong khu vực công cho thật tốt, tránh tình trạng “lót tay” khi làm các thủ tục hành chính hoặc tuyển dụng nhân sự vào khu vực công hay hành vi vòi vĩnh, nhận tiền ngoài quy định khi cung ứng dịch vụ công…
Đồng thời, tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ công và hạ tầng hiện có để đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao. Theo các cơ quan thực hiện việc khảo sát PAPI, dịch vụ công có chất lượng, đặc biệt là dịch vụ y tế và giáo dục, sẽ góp phần xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng hơn, đủ năng lực sáng tạo và đổi mới vì một nền kinh tế-xã hội phát triển hơn.
Hà An