Thời sự và bàn luận

Cảnh báo nguồn nước khan hiếm

07:41, 08/04/2016 (GMT+7)

Ngày 6-4, tại thông báo tạm dừng cấp nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố trong vài giờ vì Điện lực Đà Nẵng sẽ tạm ngừng cấp điện tại Nhà máy nước Cầu Đỏ từ lúc 23 giờ 30 ngày 7-4 đến 2 giờ 30 ngày 8-4, Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cũng phát đi một thông điệp: “Hiện nay nguồn nước của thành phố luôn trong tình trạng khan hiếm. Kính mong quý khách hàng sử dụng nước tiết kiệm”.

Trong bối cảnh đoạn sông tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng dài ngày và sông Vu Gia liên tục kiệt nước kỷ lục như trong thời gian qua, thông điệp nói trên phản ánh một thực tế đáng quan ngại, đồng thời là hồi chuông báo động tình hình thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng trong thời gian đến, khi mà nhu cầu sử dụng nước đang gia tăng vì đang bước vào mùa nắng nóng.

Theo tính toán, lưu lượng nước trung bình hằng ngày đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của hạ du sông Vu Gia tối thiểu là 80m3/s. Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được ban hành theo Quyết định số 1537/QĐ-TTg ngày 7-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định, trong thời kỳ sử dụng nước bình thường (hiện nay), khi mực nước sông Vu Gia tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa dưới 2,67m, Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Đăk Mi 4 xả về ít nhất 12,5m3/s, A Vương xả ít nhất 22m3/s, Sông Bung 4 xả ít nhất 40m3/s, phần còn lại là NMTĐ Sông Côn và các sông, suối.

Tuy nhiên, do từ đầu năm 2016 đến giữa tháng 3, hồ thủy điện A Vương bị thiếu nước (vì mùa mưa bão năm 2015 không có lũ), phải tạm dừng vận hành để tích nước khiến sông Vu Gia bị thiếu hụt hơn 1/4 trữ lượng nước.

Mặc dù đã đưa vào vận hành trở lại 10 ngày nay, nhưng NMTĐ này cũng chỉ xả nước phát điện về sông Vu Gia với lưu lượng tối thiểu để bảo đảm mực nước tối thiểu trong hồ. Cạnh đó, NMTĐ Đăk Mi 4 “ăn gian” lưu lượng nước xả về sông Vu Gia.

Còn NMTĐ Sông Bung 4 dù có cố gắng thì cũng chỉ xả về mỗi ngày từ 25-40m3/s do phải bảo đảm mực nước ở trong hồ phục vụ chống hạn vào thời gian cao điểm của mùa nắng nóng… Nguồn nước sông Vu Gia do đó bị thiếu hụt, suy kiệt trong thời gian dài, thậm chí còn tiếp tục lập một kỷ lục mới về kiệt nước với mức: 1,85m vào tối 4-4 vừa qua.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, sông Cầu Đỏ tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng hơn 50 ngày. Dawaco đã vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch đưa nước ngọt từ sông Yên về cho 2 nhà máy nước lớn nhất Đà Nẵng sản xuất, cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho thành phố.

Nếu sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng ở mức vừa phải, thì tổng lượng nước từ An Trạch bơm về hòa trộn với nước sông Cầu Đỏ cho độ mặn dưới 150mg/l rồi đưa vào sản xuất (tiêu chuẩn nước ăn uống của Bộ Y tế có độ mặn dưới 250mg/l).

Khi sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn quá nặng, việc sản xuất nước hoàn toàn được lấy từ An Trạch. Nhưng do nhiều yếu tố nên công suất bơm nước ngọt về luôn bị hao hụt, dẫn đến không đủ nước cho 2 nhà máy nước sản xuất và cấp nước ổn định cho thành phố.

Trong đó, đáng lưu tâm nhất là khi cao trình mực nước sông Yên tại An Trạch càng bị hạ thấp thì công suất nước ngọt bơm về càng sụt giảm theo. Nếu mực nước xuống thấp dưới 1,6m, các máy bơm sẽ hoạt động rất khó khăn. Ấy vậy mà từ đầu năm đến nay, có nhiều ngày mực nước tại đây chỉ đạt từ 1,6m trở xuống do sông Vu Gia cạn kiệt nước.

Do lượng nước ngọt từ đập dâng An Trạch bơm về có hạn, khi bị nhiễm mặn dài ngày, rất dễ xảy ra thiếu nước sinh hoạt cấp cho thành phố. Hơn nữa, tuyến đường ống dẫn nước ngọt về và trạm bơm phòng mặn An Trạch ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn như: hư hỏng đường ống, sự cố về nguồn điện, sự cố máy bơm… dẫn đến thiếu hụt hoặc đứt dòng nước ngọt cấp cho 2 nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân bay.

Vì vậy, bên cạnh tiếp tục thực hiện những nhóm giải pháp như trong những năm qua là đề nghị các NMTĐ xả nước, bảo đảm nguồn điện và bảo dưỡng thường xuyên máy bơm…, trước mắt, cần chủ động đề nghị tỉnh Quảng Nam nạo vét, khơi thông các đoạn lòng sông Vu Gia bị bồi lấp; làm giảm bớt lưu lượng nước chảy từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn thông qua sông Quảng Huế; làm giảm lưu lượng nước chia về các nhánh sông khác và phân bổ hợp lý lưu lượng nước chảy về sông Yên.

Ngoài ra, cũng cần sớm chuẩn bị các giải pháp công trình và phi công trình khác để bảo đảm nguồn nước ngọt cấp cho 2 nhà máy nước lớn nhất Đà Nẵng.

KHÁNH HÀ

.