Thời sự và bàn luận

Bức thiết trang bị kỹ năng sống

07:44, 19/04/2016 (GMT+7)

Liên tiếp trong 2 ngày 15 và 16-4, tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Bình và Thanh Hóa xảy ra 5 vụ đuối nước, vĩnh viễn cướp đi 15 sinh mạng, nạn nhân lớn tuổi nhất đang học lớp 12, nhỏ nhất chỉ mới lên 2. Không biết đây là lần thứ bao nhiêu, dư luận cả nước lại rúng động trước những cái chết tức tưởi của các em đang độ tuổi đến trường.

Lại thêm những miền quê nghèo chìm ngập trong tang thương. Thêm những giọt nước mắt đớn đau tuôn rơi, kèm theo đó là những dằn vặt mãi mãi không bao giờ có cơ hội được bù đắp, sửa chữa. Chết đuối không còn là chuyện hiếm gặp và thật nghiêm trọng khi nó ngày càng cướp đi sinh mạng của rất nhiều người.

Nạn nhân của các vụ đuối nước phần lớn là các em học sinh, sinh viên. Với bản tính thích phiêu lưu, khám phá tập thể nên mỗi hoạt động đều thu hút rất đông các bạn cùng trang lứa. Sự sôi nổi, thích thú trong mỗi hoạt động vui chơi, dã ngoại cũng tỷ lệ thuận với những rủi ro mà các em sẽ phải đối mặt.

Và khi nhà trường, phụ huynh quá kỳ vọng vào con em bằng những buổi học thêm, tăng tiết, dạy kèm tại nhà, phụ đạo thêm môn chính… thì việc gạt bỏ sách vở sang một bên để hòa mình với thiên nhiên, thỏa thích với những thú vui luôn là điều mà nhiều em mong muốn.

Tuy nhiên, khi đối mặt với những sự cố, phút giây sinh tử thì những kiến thức trên sách vở, những điểm 9, điểm 10 tròn trĩnh lại chưa đủ cứu bản thân các em. Chết đuối không phân biệt lứa tuổi, và dù biết bơi nhưng thiếu kỹ năng thì chưa hẳn đã thoát khỏi miệng hà bá!

Chương trình giáo dục thể chất cho bậc học phổ thông, trong đó có môn bơi lội đã và đang được Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương triển khai. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, đích đến của việc dạy bơi cho học sinh các cấp vẫn còn bỏ ngỏ. Đà Nẵng cũng không ngoại lệ. Những bể bơi được tài trợ theo chương trình bơi an toàn đến nay cũng đang trong tình trạng “đuối sức”.

Yêu cầu phải đạt chuẩn về bơi lội đối với học sinh hoàn thành bậc tiểu học theo nghị quyết của HĐND thành phố vẫn chưa đi vào thực chất. Đã có ý kiến cho rằng nếu nhà trường không kịp đổi mới, tăng cường các chương trình dạy bơi, dạy kỹ năng thì bản thân mỗi phụ huynh cần chủ động đào tạo, trang bị cho con em mình.

Tuy nhiên, trong thực tiễn cuộc sống, vẫn có hàng chục, hàng trăm ngàn học sinh lủi thủi đến trường khi bản thân cha mẹ của các em vẫn mải miết, tất bật kiếm kế sinh nhai. 7 trong 9 em nhỏ đuối nước tại Quảng Ngãi phải ở với ông bà, người thân nội, ngoại để cha mẹ tứ tán mưu sinh là một điển hình. Đi học có lẽ là sự bấu víu, là điểm dựa dẫm duy nhất của nhiều gia đình thôn quê nghèo với mong ước cho con được trưởng thành, cả về kiến thức, nhận thức lẫn kỹ năng.

Thống kê mỗi năm ở nước ta có trên 3.000 người chết đuối, trong đó phần lớn là học sinh, sinh viên. Một tỷ lệ tử vong được đánh giá là cao so với những nước đang phát triển. Những con số này có tiếp tục tăng lên, thêm nhiều gia đình có tiếp tục rơi vào bi kịch mất con, mất cháu hay không sẽ còn là một câu hỏi cần được các ngành, cơ quan liên quan nghiêm túc nhìn nhận, tìm cách giải đáp?

Cuộc đời luôn có những bất trắc, nên việc trang bị cho mình những kỹ năng để tự chủ, bảo vệ bản thân, bảo vệ những người quen bên cạnh là điều hết sức cần thiết. Việc dạy bơi, dạy cách xử lý tình huống khi đuối nước cũng như sơ cấp cứu người đuối nước chỉ là một trong rất nhiều tình huống, sự cố bất trắc mà các em học sinh cần được trang bị. Những môn học thiết thực sẽ không bao giờ thừa và để sẵn sàng vận dụng cho cả cuộc đời của các em.

Phan Chung

.