Thời sự và bàn luận
"Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy"
Năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngần ngại bác đơn xin thoát án tử hình của nguyên đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu, kẻ đã cùng đồng bọn phạm tội “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”. Trong tình cảnh đất nước đang khó khăn lúc bấy giờ, tử hình một cán bộ cao cấp đối với Bác là điều đau lòng nhưng Bác đã dứt khoát bác đơn với suy nghĩ “nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”.
Câu chuyện từ cách đây hơn nửa thế kỷ về một vụ án tham ô đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự khi mà tham nhũng, hối lộ, tiêu cực đang trở thành vấn nạn; từ đó đặt ra yêu cầu toàn Đảng, toàn dân phải dốc lòng, dốc sức đẩy lùi, ngăn chặn.
Chưa bao giờ cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trở nên quyết liệt như thời điểm hiện nay. Bằng nhiều công cụ, phương thức khác nhau, các cơ quan chức năng đã buộc những “con sâu” độc hại “làm rầu nồi canh” lộ rõ chân tướng cùng những thủ đoạn đục khoét của công, trục lợi cá nhân, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, làm xói mòn niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp ủy Đảng, chính quyền.
Đó là trường hợp Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010-2015 thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư, dẫn đến nhiều dự án đầu tư không hiệu quả, trong đó có 4/5 dự án lỗ lũy kế trên 4.200 tỷ đồng.
Hay vụ việc Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã buông lỏng lãnh đạo, quản lý, để Văn phòng, bộ phận nghiệp vụ tài chính, kế toán cơ quan (giai đoạn 2011-2016) vi phạm các quy định về quản lý tài chính, để ngoài sổ sách kế toán nguồn kinh phí vận động tài trợ số tiền trên 100 tỷ đồng. Hoặc trường hợp nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa với những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng, đến mức bị miễn nhiệm chức vụ…
Cùng với đó, hàng loạt cán bộ cao cấp, theo như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “không có chuyện hạ cánh an toàn”, bị đưa ra xem xét kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau. Điển hình như trường hợp kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng; kỷ luật 2 Thứ trưởng Bộ Nội vụ là ông Nguyễn Duy Thăng và bà Trần Thị Hà với hình thức khiển trách do liên quan việc phê duyệt chức danh và đề xuất tặng Huân chương cho Trịnh Xuân Thanh; cảnh cáo nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Nguyễn Minh Quang và kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT giai đoạn 2011-2015 đối với ông Nguyễn Thái Lai và ông Bùi Cách Tuyến liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng…
Từ những vụ việc điển hình trên cho thấy, nhiều “con sâu” đang hiện hữu ở các cấp, ngành khác nhau, không chỉ trong cơ quan Đảng, chính quyền mà cả trong các doanh nghiệp Nhà nước - nơi nắm giữ một nguồn lực tài chính lớn và không ít lần trở thành mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng những kẻ tham ô, sẵn sàng đục khoét ngân sách Nhà nước để làm giàu bất chính.
Dẫu có nhiều quy định, nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng, Chính phủ về việc chống tham nhũng, tiêu cực, về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính và cả Luật Phòng, chống tham nhũng… nhưng những kẻ sâu mọt đục khoét ngân khố quốc gia vẫn cứ thản nhiên đạp lên mọi quy tắc, bất chấp tình cảnh đất nước vẫn còn khó khăn, tìm mọi thủ đoạn tinh vi để vun vén, tư lợi cá nhân, khiến hàng nghìn tỷ đồng ngân sách Nhà nước, tiền thuế của dân trôi sông, đổ biển. Cái giá quá đắt mà vấn nạn tham nhũng gây ra, chúng ta không chỉ bị mất cán bộ, suy giảm niềm tin từ phía nhân dân, ngân sách Nhà nước bị thâm hụt mà đất nước ngày càng khó khăn, chật vật hơn khi cân đối các nguồn lực công đã bị suy giảm để đầu tư phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần, kiệm, liêm, chính”. Vậy làm thế nào để đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị?
Hiện nay, Đảng, Chính phủ đang chỉ đạo thực thi nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài, thiết lập các công cụ, cơ chế kiểm soát, khung pháp lý, ban hành các nghị quyết, chỉ thị… nhằm chỉnh đốn, xây dựng Đảng, ngăn chặn, phát hiện, đẩy lùi tham nhũng.
Trước hết cần phải xác định rõ rằng tham nhũng không chỉ là của đút lót, hối lộ, một vấn nạn mà theo tính toán của Nhóm Ngân hàng thế giới (World bank Group) - một tổ chức thuộc hệ thống Liên Hợp Quốc - mỗi năm tiêu tốn khoảng 2% GDP toàn cầu.
Trên thực tế, người dân, đặc biệt là người nghèo, sẽ dễ bị tổn thương khi nguồn lực công bị thất thoát, dù là ở bất kỳ hình thức nào. Chính vì vậy, cần phải phân định cụ thể các loại hình tham nhũng, "chỉ mặt đặt tên" để đấu tranh loại bỏ triệt để. Bởi vì, theo tính toán của Nhóm Ngân hàng thế giới (World Bank Group) - một tổ chức thuộc hệ thống Liên Hợp Quốc - mỗi năm tiêu tốn khoảng 2% GDP toàn cầu.
Chính vì vậy, cần phải phân định cụ thể các loại hình tham nhũng, “chỉ mặt đặt tên” để đấu tranh loại bỏ triệt để. Song song đó, một trong những giải pháp thiết thực cần tính đến là trả lương tốt hơn, xứng đáng hơn cho công chức Nhà nước để tạo động lực thúc đẩy và khuyến khích họ làm việc tích cực, hiệu quả. Đã có nghiên cứu trên thế giới đối với các nước kém phát triển cho thấy mức lương thấp khiến những người làm công ăn lương Nhà nước buộc phải tìm thêm những cách “không chính thức” nhằm tăng thu nhập và điều này dễ dẫn đến hành vi tham nhũng.
Cùng với đó, việc giải quyết vấn đề tham nhũng đòi hỏi phải có sự phối hợp của các cấp chính quyền và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, kết hợp sử dụng công nghệ tiên tiến để nắm bắt, phân tích và chia sẻ thông tin nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.
Ở thời đại mà công nghệ ngày càng phát triển vượt trội và xâm nhập sâu vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội thì chúng ta có thể sử dụng những lợi thế của công nghệ để tạo nên sự trao đổi một cách chủ động, liên tục giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị với người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan truyền thông…
Đây cũng là cách để tăng cường vai trò giám sát của các tổ chức, công dân đối với hệ thống chính trị, với cán bộ, đảng viên. Ngoài ra, các cấp chính quyền cần công khai, minh bạch công tác cán bộ và các khoản đầu tư, mua sắm công, từ nguồn thu thuế, khai thác thị trường vốn để huy động tiền, nhận viện trợ nước ngoài đến việc phân bổ các nguồn lực công để đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Có như vậy mới hạn chế được những sai phạm hoặc những cách thức lạm dụng quyền lực để tư lợi cá nhân, tham ô, tham nhũng, đục khoét nguồn lực công.
Từ thực tế hiện nay cho thấy, các biện pháp xử lý nghiêm minh là một trong những giải pháp quan trọng nhất nhằm ngăn chặn vấn nạn tham nhũng. Đây cũng chính là nỗi trăn trở của đông đảo người dân cả nước bởi không ít lần, vụ án to hóa nhỏ, những kẻ tham nhũng, gây thất thoát ngân khố quốc gia chỉ nhận những hình phạt nhẹ theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”, không đủ sức răn đe; trong khi những kẻ đứng sau hưởng lợi, bao che, dung túng, đồng lõa hành vi phạm tội không bị lôi ra ánh sáng để chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật.
Ngoài giải pháp trên, trong nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay, tham nhũng ngày càng có chiều hướng xuyên biên giới, do đó, khung pháp lý quốc tế về kiểm soát tham nhũng là một yếu tố quan trọng. Vì vậy, việc nước ta chủ động tham gia các công ước quốc tế, đặc biệt là những công ước liên quan đến tội phạm tham nhũng trong nước và nước ngoài, tống tiền, các biện pháp phòng ngừa, chống rửa tiền, các quỹ bất hợp pháp của các quan chức tại các ngân hàng nước ngoài..., sẽ tạo thêm công cụ hữu ích để chúng ta đấu tranh với vấn nạn tham nhũng.
Tại Phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”.
Hơn bao giờ hết, nếu chúng ta muốn dân giàu, nước mạnh, muốn hội nhập sâu vào tiến trình phát triển tiến bộ, bền vững với các quốc gia tiên tiến thì chống tham nhũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp bách, cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở mọi cấp, mọi ngành, từ Trung ương đến địa phương, không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai nếu bị phát hiện có hành vi tham nhũng, đều phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.
HÀ AN