Kỳ vọng về một nghị quyết mới tạo động lực cho Đà Nẵng

.

Dường như có một sự trùng hợp thú vị trong hai lần Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vào năm 2013 và năm 2018 nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”: lần làm việc thứ nhất chỉ cách một ngày sau khi Đà Nẵng vượt qua cơn cuồng phong Nari đổ bộ trực tiếp vào thành phố, còn lần làm việc thứ hai cũng chỉ cách 2 ngày sau khi Đà Nẵng vượt qua trận ngập lịch sử sau cơn mưa lớn.

Nhìn lại chặng đường 10 năm và 15 năm một nghị quyết từng tạo động lực cho thành phố mình trong phát triển chỉ một vài ngày sau khi hứng chịu và vượt qua bão to mưa lớn, người Đà Nẵng muốn khẳng định trong quá trình xây dựng và phát triển, thành phố bên sông Hàn không chỉ có được và biết tận dụng mọi thời cơ/ lợi thế so sánh, mà quan trọng hơn là còn phải trải qua và biết vượt lên không ít thách thức/khó khăn - đúng như nhà yêu nước Phan Bội Châu từng quan niệm: Giả sử tiền đồ tận di thản/Anh hùng hào kiệt giã dung thường (Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả/Anh hùng hào kiệt có hơn ai).

Sau lần làm việc vào năm 2013, Bộ Chính trị khóa XI đã “tiếp lửa” cho Đà Nẵng khi ban hành Kết luận số 75-KL/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, nhưng có lẽ ngần ấy vẫn chưa đủ để tạo động lực cho Đà Nẵng sớm vươn lên trở thành “một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung (...) là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước”.

Cho nên trong lần làm việc thứ hai vào ngày 13-12-2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Bộ Chính trị đồng ý sẽ ban hành một nghị quyết mới cho Đà Nẵng để phát triển bền vững hơn nữa trong thời gian tới” - một quyết định đang làm nức lòng người Đà Nẵng, bởi chắc chắn một nghị quyết mới về Đà Nẵng và vì Đà Nẵng vào thời điểm này sẽ tạo động lực hữu hiệu hơn để Đà Nẵng đạt được mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW. Nội dung cơ bản nhất mà người Đà Nẵng kỳ vọng ở nghị quyết lần này là các cơ chế đặc thù đúng nghĩa đặc thù.

Đặc thù đúng nghĩa đặc thù tức là những cơ chế ưu đãi vượt trội phù hợp với lợi thế so sánh riêng có của từng địa phương và quan trọng hơn là những ưu đãi vượt trội chỉ dành cho một địa phương, bởi nếu cùng lúc dành cho nhiều địa phương thì cái đặc thù sẽ lập tức trở thành cái phổ biến, tác dụng tạo động lực đột phá và sức cạnh tranh với các đô thị sáng tạo khác trên thế giới sẽ giảm đi nhiều.

Người Đà Nẵng đang chờ đợi nghị quyết lần này sẽ tạo điều kiện cho Đà Nẵng được hưởng một số cơ chế đặc thù đúng nghĩa, trong đó có cơ chế từng được Đà Nẵng đề xuất từ nhiều năm trước và cũng từng được Bộ Chính trị thảo luận cân nhắc - đó là việc cho phép Đà Nẵng thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Lợi thế so sánh riêng có của Đà-Nẵng-đất-liền là chỉ còn một huyện ngoại thành cũng đã được công nhận hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới từ năm 2016 và đang trên đường đô thị hóa - đương nhiên theo một bước đi riêng và với một cách thức riêng không rập khuôn các quận nội thành. Hoặc như việc cho phép Đà Nẵng thí điểm xây dựng mô hình chính quyền cảng. Đối với một địa phương được Nghị quyết số 33-NQ/TW xác định là thành phố cảng biển thì mô hình chính quyền cảng - còn gọi là mô hình quận cảng - chắc chắn sẽ tạo điều kiện để hệ thống cảng biển ở Đà-Nẵng-đất-liền phát triển mạnh.

Nếu được cho phép thí điểm mô hình chính quyền đô thị, có thể Đà Nẵng sẽ đồng hành với Hà Nội và thậm chí có thể học tập Hà Nội, nhưng mô hình chính quyền cảng mới là đặc thù đúng nghĩa của Đà Nẵng, nếu được cho phép thí điểm thực hiện, Đà Nẵng sẽ tạo nên những đột phá trong việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đương nhiên kỳ vọng đến mấy, chờ đợi đến mấy thì người Đà Nẵng vẫn ý thức được rằng dẫu nghị quyết mới có tạo động lực vượt bậc cho Đà Nẵng phát triển nhưng nếu không có yếu tố con người - đặc biệt là nếu thiếu cán bộ chiến lược có tâm có tầm - thì cũng không thể phát huy được sức cạnh tranh từ những cơ chế ưu đãi vượt trội ấy. Do bất cập về cán bộ chiến lược, về người đứng đầu địa phương mà Đà Nẵng từng chững lại trong một thời gian - mà trong phát triển, chững lại đồng nghĩa với tụt hậu.

Và kỳ vọng đến mấy, chờ đợi đến mấy thì người Đà Nẵng vẫn nhận ra sự tinh tế và hơn thế vẫn nhận ra thông điệp ẩn trong hai chữ “bền vững” trong phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Bộ Chính trị đồng ý sẽ ban hành một nghị quyết mới cho Đà Nẵng để phát triển bền vững hơn nữa trong thời gian tới”. Không phải phát triển bằng mọi giá mà là phát triển bền vững. Phát triển bền vững nên không thể quy hoạch theo đầu tư mà phải đầu tư theo quy hoạch, đúng như khẳng định của Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa tại Tọa đàm mùa xuân 2018...

Không thể có phát triển bền vững khi tăng trưởng kinh tế không đi đôi với bảo tồn và phát triển văn hóa, không đồng hành với bảo đảm an sinh xã hội trong từng chủ trương chính sách. Không thể có phát triển bền vững nếu tăng trưởng kinh tế không đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái và bảo đảm quốc phòng-an ninh, nhất là đối với một thành phố tiền tiêu có vị trí địa chính trị mang tầm chiến lược như Đà Nẵng.

BÙI VĂN TIẾNG
 

;
;
.
.
.
.
.