Đầu tư xứng tầm cho y tế

.

Báo Đà Nẵng các số ra từ ngày 6 đến 8-1 đăng tải loạt bài “Đầu tư cơ sở y tế xứng tầm khu vực”, phản ánh sự quá tải tại các bệnh viện và sự cần thiết phải đầu tư, mở rộng các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm y tế khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Theo chỉ tiêu của Chính phủ giao cho ngành y tế, Đà Nẵng hiện là địa phương có tỷ lệ bác sĩ trên 10.000 dân cao gấp 2 lần mặt bằng chung cả nước với 15,8 bác sĩ/10.000 dân (tỷ lệ trung bình của cả nước là 8 bác sĩ/10.000 dân), tỷ lệ giường bệnh trên 10.000 dân gấp 3 lần với 80 giường/10.000 dân (tỷ lệ giường bệnh của cả nước là 27,5/10.000 dân). Vậy tại sao các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố vẫn còn cảnh thiếu hụt nhân lực, bệnh nhân vẫn mong muốn có một chỗ nằm khi điều trị?

Theo số liệu từ Sở Y tế, trong năm 2019, các bệnh viện hạng I, bệnh viện chuyên khoa trực thuộc tiếp nhận hơn 1,2 triệu lượt khám, điều trị bệnh; trong đó, tỷ lệ bệnh nhân ngoại tỉnh đến khám bệnh chiếm hơn 38%. Một số bệnh viện có tỷ lệ bệnh nhân ngoại tỉnh đăng ký điều trị nội trú cao như Bệnh viện Đà Nẵng (40,2%), Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng (49,9%), Bệnh viện Mắt Đà Nẵng (62,1%), Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng (68%)… Từ thực tế trên có thể nhận thấy, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đang “gánh” một trọng trách, đó là trở thành trung tâm y tế của vùng, chứ không chỉ đơn thuần là bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương.

Theo lãnh đạo một bệnh viện, sự phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu là yếu tố tạo nên sự dịch chuyển này. “Một số kỹ thuật y khoa ở Đà Nẵng được đánh giá là tiên phong trong ngành, như xạ trị trong điều trị ung thư, chạy ECMO trong hồi sức tích cực, điều trị hiếm muộn, phương pháp da kề da, sử dụng ngân hàng sữa mẹ trong sinh con…

Khi đời sống vật chất ngày một nâng cao cùng những chính sách liên thông trong bảo hiểm y tế, người dân họ có quyền lựa chọn cho mình những nơi khám chữa bệnh chất lượng, phù hợp khả năng, nhu cầu và giải tỏa được câu chuyện đặt niềm tin cho đội ngũ y, bác sĩ”, vị lãnh đạo này cho biết.

Nhưng chính điều này đã tạo ra một thực tế, đó là sự quá tải ở các bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố, gây nên tình trạng chờ đợi kéo dài, nằm ghép, tận dụng hành lang và các khoảng trống khác trong bệnh viện để điều trị.

Quá tải bệnh viện đang là câu chuyện gây nỗi ám ảnh cho chính người bệnh lẫn nhân viên y tế. Người bệnh đông, trong khi nhân viên y tế thì có hạn, khiến việc thu dung điều trị mất cân đối. Nhân viên y tế hiện nay chịu rất nhiều áp lực, ngoài chuyên môn, đó là thái độ, văn hóa ứng xử. Họ học được cách giao tiếp ứng xử văn hóa, nhã nhặn và chừng mực với bệnh nhân. Nhưng số lượng bệnh nhân tăng lên cũng đồng nghĩa quỹ thời gian tư vấn, khám, chăm sóc cho từng người buộc phải ít lại. Một vòng tròn luẩn quẩn giữa bệnh viện-nhân viên y tế-người bệnh khiến cho môi trường chăm sóc sức khỏe luôn căng thẳng và có nhiều nguy cơ xung đột.

Ngành y tế luôn lấy sự hài lòng của người bệnh làm thước đo. Chắc chắn bệnh nhân không thể hài lòng khi nỗi ám ảnh quá tải, thiếu giường, nằm ghép vẫn hiển hiện trong đầu. Bệnh nhân không thể hài lòng khi bị bỏ mặc-khái niệm dù không xuất phát từ ý thức của đội ngũ y, bác sĩ nhưng lại là hệ quả của sự quá tải; khi chính các y, bác sĩ phải xoay xở cùng lúc quá nhiều việc để cân đối bài toán thiếu nhân lực tại nơi mình làm việc. Hiện trạng ngành y tế thành phố cần có sự thay đổi để phù hợp với xu thế, thời cuộc. Tiếp nối Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, Đà Nẵng được Bộ Chính trị giao trọng trách với Nghị quyết 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong việc trở thành một trung tâm về kinh tế, văn hóa, xã hội... của khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Chưa kể, Đà Nẵng luôn là điểm đến được người dân và du khách thập phương đặt nhiều kỳ vọng. Chính vì thế, đầu tư ngành y tế xứng tầm là hướng đi cần thiết, cũng chính là mong muốn của đại đa số người dân, bởi việc chăm sóc sức khỏe là nhu cầu tối thiểu, chính đáng.

Cùng với việc Đà Nẵng “mạnh tay” đầu tư, nâng cấp cơ sở y tế…, thì Trung ương cũng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho Đà Nẵng trong việc quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống cơ sở y tế để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ngành y tế cũng cần tập trung quan tâm đến công tác sơ cấp cứu, rút ngắn các quy trình, phát triển chuyên môn kỹ thuật tuyến dưới, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế, ứng dụng công nghệ thông tin… để cùng hướng tới mục tiêu giảm số ngày nằm viện của người bệnh.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.