Tính mạng con người là trên hết

.

Có lẽ chưa khi nào câu chuyện xử phạt về hành vi uống rượu, bia tham gia giao thông lại được bàn luận sôi nổi và có độ lan tỏa “đi vào cuộc sống” nhanh như Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực ngày 1-1-2020.

Dân nhậu “sốc” thực sự vì khung hình phạt cho người vi phạm rất cao, rất nghiêm khắc, còn lại đa số người dân thì ủng hộ với sự kỳ vọng nghị định này sẽ “rào chắn” vững chắc để ngăn chặn những “ma men” không còn dám điều khiển phương tiện tham gia giao thông, khi đã uống rượu, bia.

Để đánh giá hiệu quả của một chính sách thì cần có thời gian nhất định, song, với Nghị định 100 này, gần như là một ngoại lệ, khi hiệu quả mang lại rất nhanh. Các quán nhậu từ Bắc vào Nam, từ miền núi đến miền biển hay đồng bằng; từ quán xá bình dân, đến những nhà hàng sang trọng gần như chung cảnh lượng khách giảm mạnh.

Cùng với những con số “nóng” liên tục được truyền thông cập nhật về số trường hợp vi phạm bị xử tột khung, là số vụ tai nạn giao thông (TNGT) do rượu, bia cũng đã giảm. Thống kê tại Bệnh viện Đà Nẵng cho thấy phần nào. Nếu như đêm giao thừa năm 2019, Bệnh viện Đà Nẵng đã tiếp nhận 54 ca TNGT; trong đó có đến 25 ca chấn thương sọ não có liên quan đến bia rượu; thì đến giao thừa năm 2020 vừa rồi, bệnh viện tiếp nhận 43 ca TNGT, trong đó có 8 ca chấn thương sọ não có liên quan đến bia, rượu.

Những con số thường khô khan, nhưng dường như trong trường hợp này lại có sức nặng thuyết phục hơn cả. Ai đã từng chứng kiến những vụ TNGT, đặc biệt là người nhà của mình bị TNGT sẽ cảm thấy ý nghĩa dường nào của những con số trên.

TNGT xảy ra không chỉ là sự mất mát con người-điều không thể nào bù đắp nổi, mà còn là gánh nặng của gia đình và cả xã hội trên nhiều phương diện. Chúng ta đã tăng cường tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, xử phạt; thế nhưng khung xử phạt trước đây theo đánh giá là chưa đủ mạnh, nên những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong thời gian dài chưa đem lại kết quả như mong đợi, thậm chí tình hình ngày càng đáng báo động hơn.

Tròn 10 năm trước, khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đưa ra con số đáng giật mình khi có đến gần 40% số vụ TNGT liên quan đến bia, rượu. Những tưởng con số ấy là hồi chuông để nhiều người giật mình cảnh tỉnh, thế nhưng, tháng 7-2019, tại hội thảo chuyên đề về tác hại rượu, bia với TNGT, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đã đưa ra con số còn đáng lo ngại hơn khi có khoảng 65-70% số vụ TNGT ở Việt Nam liên quan đến rượu, bia.

Tác hại rượu, bia đã quá rõ, song những ngày đầu năm 2020, vẫn không tránh được những ý kiến “phản biện” về Nghị định 100 với rất nhiều lý lẽ như là uống rượu, bia là thói quen đã ăn sâu trong đời sống người Việt, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết. Một số ý kiến “phản biện” có vẻ... khoa học hơn khi nêu ra tình huống ăn trái cây, uống một số loại thuốc... cũng làm xuất hiện lượng cồn trong khí thở...

Tuy nhiên, xét cho cùng đây cũng chỉ là những yếu tố mang tính “kỹ thuật” của một chính sách khi vừa được triển khai vốn có ảnh hưởng sâu rộng đến rất nhiều người. Các cơ quan soạn thảo và thẩm định văn bản, cơ quan giám sát của Quốc hội và cả cộng đồng vẫn đang quan sát mọi diễn biến của việc thực hiện Nghị định 100.

Và nếu như có những tồn tại, vướng mắc thì việc bổ sung, sửa đổi sẽ được thực hiện để nghị định phát huy hiệu quả cao nhất trong cuộc chiến kéo giảm TNGT. Điều quan trọng hơn cả, tính hiệu lực của nghị định đến đâu chính là mức độ thay đổi của những “ma men”. Nhiều người vì vui nên mới uống rượu, bia, nhưng đã đến lúc cần thay đổi, trước hết vì sự an toàn của mình, của người thân và cộng đồng xã hội. Có thể sẽ bớt vui, nhưng rất đáng để thay đổi bởi, mạng người là trên hết!

T.V

;
;
.
.
.
.
.