Cần sự chung tay và sẻ chia

.

Thế giới, Việt Nam và thành phố Đà Nẵng đón một cái Tết có thể nói rất đặc biệt. Đó là khoảng thời gian của thử thách về sự nỗ lực của các quốc gia, tổ chức và nhất là đội ngũ ngành y tế để đối phó với dịch bệnh có tên nCoV.

Theo các chuyên gia dịch tễ học quốc tế dự đoán, “đỉnh” dịch vẫn ở phía trước, có thể sẽ bùng phát mạnh mẽ khoảng 1 - 2 tuần đến, và đại dịch bao giờ kết thúc vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Minh chứng cho dự đoán này là những con số được cập nhật liên tục về người nghi nhiễm nCoV phải cách ly, số bệnh nhân nguy kịch, những người xấu số phải ra đi và cả số quốc gia, vùng lãnh thổ gia nhập danh sách nhiễm nCoV gia tăng một cách đáng ngại.

Thế nhưng, trong đại dịch chết chóc đó đã cho thấy tình đoàn kết của cộng đồng quốc tế và của các nhà khoa học. Hiếm có dịch bệnh nào mà sự sẻ chia thông tin, kết quả nghiên cứu của các quốc gia, tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới và các bệnh viện khắp mọi nơi lại nhanh chóng và mạnh mẽ như vậy. Tất cả đều chung tay trong thời gian nhanh nhất có thể để tìm ra thuốc đặc trị và xa hơn là vaccine ngừa chủng virus lạ thường này.

Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng cũng không nằm ngoài vòng quay đó. Từ Chính phủ, đến các tỉnh, thành phố, ngành y tế các địa phương và cả trong từng bệnh viện..., gần như không có khái niệm nghỉ Tết. Rất nhiều cuộc họp, buổi làm việc, kiểm tra không chỉ xuyên đêm, xuyên ngày mà xuyên cả năm cũ và năm mới.

Tại Đà Nẵng, có thể nói đây là lần đầu tiên có nhiều cuộc họp, chương trình làm việc bất kể giờ giấc từ lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành liên quan và đặc biệt là ngành y tế để chạy đua với công việc phòng, chống dịch bệnh. Và thật đáng cảm động khi những “thiên thần áo trắng” miệt mài ngày đêm đương đầu với dịch bệnh bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Còn người dân thành phố trước đại dịch này đã thêm một lần nữa thể hiện tinh thần tương thân tương ái để cùng vượt qua dịch bệnh. Trước sự việc một vài cửa hàng đơn lẻ, cá nhân tranh thủ nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế và chất sát khuẩn để đẩy giá lên cao, gần như ngay lập tức đã xuất hiện rất nhiều tấm lòng đẹp, nghĩa cử đáng quý với hành động phân phát, tặng miễn phí khẩu trang, cồn sát khuẩn cho người có nhu cầu…

3 giờ sáng ngày 31-1 (tính theo giờ Việt Nam), từ Geneva, Thụy Sĩ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố sự bùng phát bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra ở Trung Quốc là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Đây cũng là lần thứ 6 tổ chức y tế lớn nhất thế giới này phải đưa ra tuyên bố như vậy. Có thể thấy rằng, tần suất xuất hiện dịch bệnh với quy mô lớn ngày một dày đặc hơn và tầm ảnh hưởng cũng rộng lớn hơn. WHO, các quốc gia, địa phương rồi sẽ phải có những kế hoạch lâu dài để ngăn ngừa dịch bệnh xảy ra.

Trong đó, rất cần sự chung tay và cả sự đồng cảm chia sẻ của mọi người, không kể quốc gia, vùng lãnh thổ để cùng chiến thắng bệnh tật. Đó mới chính là cách bảo vệ nhân loại tốt nhất trước những biến đổi khó lường của dịch bệnh trên toàn thế giới hiện nay.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.