Trong cuộc đua giành giật sự sống cho người bệnh, nhân viên y tế chưa bao giờ được thảnh thơi. Bởi, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, đôi khi đến từ những quyết định được đưa ra trong tích tắc. Chưa kể, có những quyết định ảnh hưởng đến số phận, sức khỏe của cả cộng đồng, mà phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm là một điển hình.
Nhớ lại cuối tháng 1 vừa qua, hàng chục bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Đà Nẵng một phen dáo dác khi một bệnh nhân người Trung Quốc trốn viện. Bất chấp y lệnh của bác sĩ, là phải cách ly, theo dõi vì có yếu tố dịch tễ (trở về từ vùng có dịch), nữ bệnh nhân đã lẳng lặng bỏ đi.
Đi tìm không phải bệnh viện sợ liên lụy trách nhiệm, bởi nhân viên y tế không có quyền giữ người, khi chăm sóc sức khỏe là quyền của mỗi công dân. “Nhưng nếu bệnh nhân bị nhiễm dịch Covid-19 mà không được cách ly, điều trị thì sẽ rất nguy hiểm cho bản thân và lây nhiễm cho cộng đồng”, một lãnh đạo bệnh viện chia sẻ.
Cũng vì suy nghĩ ấy, các nhân viên tại đây đã tích cực phối hợp với lực lượng công an để truy tìm hành trình lưu trú, đi lại của du khách. Chỉ khi nữ du khách lên máy bay trở về nước và kết quả xét nghiệm sau đó cho âm tính thì mọi người mới thở phào.
Trốn viện, bỏ điều trị, không chịu uống thuốc, thậm chí đánh nhân viên y tế là những điều không xa lạ trong môi trường y tế hiện nay. Các nhân viên y tế ngoài áp lực chuyên môn, quá tải, điều kiện làm việc thiếu thốn còn phải đối mặt với nguy cơ xung đột, xâm phạm sức khỏe, tính mạng từ phía người bệnh và thân nhân.
Nhưng rồi, bỏ lại phía sau tất cả những hình ảnh xấu xí ấy, chúng ta vẫn nhìn thấy những chiếc áo blouse trắng gấp gáp trong mỗi bước đi, vội vã theo từng hơi thở, nhịp tim của người bệnh. Khi y lệnh không được xem trọng và thực thi như nó vốn có thì các y, bác sĩ vẫn lặng lẽ với nhiệm vụ của mình. Bởi họ hành động theo mệnh lệnh của trái tim!
Mệnh lệnh trái tim đã khiến một nữ bác sĩ tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, dù đã 11 giờ khuya, tan ca trực, vẫn cố tìm mua một tô mì Quảng cho du khách người Hàn Quốc đang bị cách ly trong bệnh viện. Dù trước đó, trong 2 ngày điều trị, du khách này đã gây cho chị biết bao phiền hà: quát nạt, to tiếng, không hợp tác, thậm chí khóa trái cửa từ bên trong! Chị chia sẻ ngắn gọn: “Người ta cũng như mình cả, lo lắng, hoảng loạn nên đừng trách”.
Mệnh lệnh của trái tim đã khiến một giám đốc bệnh viện gồng mình làm việc 14 giờ/ngày trong suốt một tháng phòng chống dịch bệnh. Hay một bác sĩ phải tắm 7 lần/ngày giữa mùa đông sau khi thăm, khám những bệnh nhân trong khu cách ly đặc biệt. Họ làm việc bằng cả khối óc và trái tim, trong đó sự thấu hiểu xuất phát từ tâm can đã khiến cho mọi bức xúc, phiền toái, hiểm nguy mà họ đối mặt không còn quan trọng. Thời gian qua, Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác, phải căng mình để phòng, chống dịch Covid-19.
Ở tuyến đầu, không ai khác chính là các y, bác sĩ, họ có mặt ở sân bay, cảng biển, bệnh viện, rồi rà soát, điều tra dịch tễ khắp các khách sạn trên địa bàn. Phòng, chống dịch thì không có khái niệm ngày đêm, ca làm ca nghỉ. Đã có người tạm xa gia đình, vợ con để đón Tết trong bệnh viện, bên những bệnh nhân xa lạ, đang được cách ly, theo dõi. Cũng có người 24/24 giờ nghe tiếng còi xe cấp cứu hú inh ỏi bên tai mình, lắc lư theo những chuyến xe cấp cứu chạy khắp thành phố để chạy đua “giờ vàng” kịp cứu bệnh nhân. Công việc họ vẫn âm thầm, lặng lẽ cho sự bình yên của thành phố này.
Những năm gần đây, ngành y tế thành phố đã có những đổi thay theo hướng tích cực, trong đó yếu tố con người là một trong những nhân tố điển hình. Nhiều kỹ thuật mới trên thế giới đã được các y, bác sĩ tại Đà Nẵng lĩnh hội và làm chủ.
Thực tế này mở ra những cơ hội can thiệp, cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Và ở đâu đó tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, người ta vẫn thấy hình ảnh những y, bác sĩ làm cầu nối thiện nguyện, gắn kết những mạnh thường quân với mảnh đời neo đơn, túng quẫn trong cơn bạo bệnh. Những hành động đó hoàn toàn xuất phát từ trái tim, bởi “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.
PHAN CHUNG