Căng sức chống dịch

.

Tính đến ngày 2-2, số ca nhiễm dịch bệnh hô hấp do virus Corona mới (nCoV) ở Trung Quốc là hơn 14.400 người và hơn 14.500 người trên thế giới. Đã có 27 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch do nCoV. Các nước ngoài Trung Quốc ghi nhận số ca bị nhiễm nhiều nhất là Nhật, Thái Lan, Singapore với số ca lần lượt là 20, 19, 18. Việt Nam hiện có 7 trường hợp nhiễm nCoV.

Việt Nam quyết liệt chống dịch ngay từ đầu. Xác định “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận thiệt hại kinh tế để chống dịch hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh này và các địa phương nhanh chóng thành lập các Ban Chỉ đạo chống dịch.

Cả hệ thống chính trị được huy động vào cuộc với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, chú trọng trang bị nhân lực, vật lực ngành y tế, phân công cụ thể các nơi thu dung điều trị, tăng cường công tác kiểm tra giám sát phòng chống dịch từ Trung ương đến các địa phương. Trên tinh thần đó, tại thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp, các sở, ngành, các cơ quan thông tin đại chúng vào cuộc chống dịch nCoV quyết liệt, bài bản và hiệu quả. Những động thái ấy từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tâm lý hoảng sợ hoặc thờ ơ, chủ quan của một bộ phận nhân dân trước dịch bệnh.

Không như một số luận điệu xuyên tạc tình hình hoặc do kém hiểu biết tung tin thiếu kiểm chứng, Bộ Y tế, chính quyền các địa phương và các ban, ngành liên quan đã đưa tin hằng ngày, hằng giờ về dịch bệnh. Thông tin tại Việt Nam được đánh giá là rất minh bạch, cập nhật nhanh không thua kém các nước trên thế giới.

Bất cứ ca mắc bệnh mới nào xuất hiện, người dân đều được biết. Việc công khai các ca nghi nhiễm được xét nghiệm âm tính và các ca bệnh người Trung Quốc được chữa khỏi tại thành phố đã góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin của nhân dân về khả năng phòng chống dịch hiệu quả. Từ đó, đã góp phần định hướng cho người dân không tìm đến thông tin sai lầm, thất thiệt.

Sự quyết liệt không chỉ thể hiện ở hành động phòng, chống dịch bệnh mà còn ở việc xử lý kiên quyết những trường hợp tung tin đồn vô căn cứ. Nhiều chủ tài khoản mạng xã hội đưa tin sai sự thật gây hoang mang dư luận đã đối mặt với mức phạt nặng, có sức răn đe phòng ngừa chung. Ở một khía cạnh khác cần được ghi nhận: việc sử dụng mạng xã hội đang dần thay đổi theo chiều hướng tích cực. Các tổ chức và người dân đã có ý thức sử dụng phương tiện này để tỏ rõ chính kiến, phê phán cái ác, cái xấu; ghi nhận, biểu dương cái tốt một cách rầm rộ; qua đó, góp phần hết sức quan trọng dập tắt sự hoảng sợ hoặc thờ ơ trong dân. Thông tin từ mạng xã hội trong thời gian qua cho thấy, cái tốt đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân, thông tin xấu, độc dần dần được loại bỏ hoặc trở thành lạc lõng, mất tác dụng.

Việc xử lý các cơ sở dịch vụ y tế tăng giá khẩu trang để trục lợi bất chính cũng rất kịp thời. Từ Trung ương tới địa phương, các động thái cứng rắn đã được áp dụng như yêu cầu rút giấy phép, đóng cửa hiệu thuốc, xử phạt nặng, thậm chí có thể xem xét xử lý hình sự hành vi gom các dụng cụ, thiết bị y tế trong thời điểm dịch đang hoành hành.

Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy được tình cảm, trách nhiệm của nhiều người qua việc tặng khẩu trang cho dân. Không chỉ tặng cho dân trong nước, mà còn mong muốn được góp khẩu trang chuyển tặng cho người dân Trung Quốc chống dịch. Và Việt Nam, dù cũng trong vùng nguy cơ bùng phát dịch rất cao, đang căng sức chống dịch, Chính phủ cũng đã viện trợ Trung Quốc nửa triệu USD, Hội Chữ thập đỏ viện trợ cho Trung Quốc 100.000 USD để chống dịch. Cả thế giới đang hướng về Trung Quốc với trách nhiệm rất cao để chia sẻ những khó khăn và hỗ trợ để cứu sống đồng loại.

Qua các phương tiện thông tin, được biết ở Trung Quốc có bác sĩ đã nghỉ hưu nhưng khi xảy ra dịch đã tình nguyện ở lại nơi công tác để cứu người. Thật xúc động khi đọc bức thư của một bác sĩ gửi cho con: “Xin lỗi con, hãy nghĩ rằng cuộc chia ly ngắn ngủi của ta sẽ làm nên tiếng cười cho hàng triệu gia đình con nhé”. Và có nhiều nữ bác sĩ, y tá Trung Quốc cắt mái tóc, thậm chí cạo trọc đầu của mình khi vào vùng dịch để giúp hỗ trợ tối đa cho việc chống dịch. Ở Đà Nẵng, bằng trách nhiệm rất cao với cộng đồng và sự tự tin, Bệnh viện Đà Nẵng đề nghị Bộ Y tế được điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV (nếu có)… Những hình ảnh ấy rất đẹp đẽ, lay động lòng người.

Trong lúc này, dịch bệnh do nCoV đang diễn biến rất phức tạp, thế giới đang đối mặt với tình trạng y tế cộng đồng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế, chúng ta phải căng sức để dập dịch. Đối mặt với dịch do nCoV, cần phải giữ thái độ bình tĩnh, quyết liệt, không hoảng loạn, thờ ơ hoặc chủ quan. Đồng lòng chiến đấu với dịch bệnh, mỗi người mỗi vị trí, mỗi nhiệm vụ quyết tâm làm thật tốt công việc của mình. Cùng với sự nỗ lực của cả thế giới, chúng ta hy vọng sẽ đẩy lùi dịch do nCoV.

NGUYỄN ĐỨC NAM

;
;
.
.
.
.
.