Hôm nay, cùng với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng chính thức triển khai mô hình chính quyền đô thị trong phạm vi bảy đơn vị hành chính cấp quận (trừ huyện Hòa Vang) và 47 đơn vị hành chính cấp phường (trừ 11 xã thuộc huyện Hòa Vang). Khác với Hà Nội lần đầu tiên triển khai thực hiện mô hình này, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã một lần thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường từ năm 2009.
Mặc dầu việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường chỉ là một bộ phận của thí điểm mô hình chính quyền đô thị nhưng cũng đủ để Đà Nẵng tích lũy được nhiều kinh nghiệm, chẳng hạn kinh nghiệm trong công tác cán bộ, nhất là trong việc sắp xếp số người công tác chuyên trách dôi dư do không tổ chức HĐND quận và HĐND phường. Tuy nhiên, không vì thế mà trong quá trình xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị lần này, Đà Nẵng lại tỏ ra thiếu thận trọng, khoa học. Đà Nẵng luôn ý thức rằng hai lần thí điểm mô hình chính quyền đô thị thực chất là cả hai lần tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.
Sở dĩ nói đây là hoạt động nghiên cứu khoa học vì khoa học bao giờ cũng xuất phát từ thực tiễn, bao giờ cũng cần có “đơn đặt hàng” từ thực tiễn - mà thực tiễn nước ta cho thấy đang có sự bất cập trong quản lý nếu cứ áp dụng chung một mô hình tổ chức bộ máy chính quyền địa phương chung cho cả địa bàn đô thị và địa bàn nông thôn, từ đó đòi hỏi phải nghiên cứu khoa học để tìm ra mô hình tối ưu cho từng địa bàn.
Thành phố đã tổ chức nhiều sinh hoạt học thuật nhằm tranh thủ ý kiến chuyên gia ở Trung ương, ở Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác không chỉ trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng mà cả sau khi Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 119/2020/QH14.
Thành phố nhận thức rất rõ rằng khẩn trương triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị lần này cũng chính là đang nghiêm túc triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó việc “xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và quy định của pháp luật” được xem là một trong các nhiệm vụ về cơ chế, chính sách đặc thù.
Chuẩn bị rõ nhất của Đà Nẵng khi chính thức bước vào thời kỳ thực hiện mô hình chính quyền đô thị là ở việc bầu các chức danh chủ tịch và phó chủ tịch, trưởng ban và phó trưởng ban tại kỳ họp đầu tiên vào ngày 25-6-2021 của HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026. Qua đó, nâng tổng số đại biểu chuyên trách lên 14 người - đạt ngưỡng tối đa theo Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 của Quốc hội, tăng một phó chủ tịch so với nhiệm kỳ trước, tăng 5 đại biểu chuyên trách so với nhiệm kỳ trước; trong đó có một Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và bốn Thành ủy viên, tăng ba Thành ủy viên so với nhiệm kỳ trước.
Không tổ chức HĐND quận và phường ở lần thí điểm này, thành phố đã giảm được 69 biên chế là đại biểu chuyên trách HĐND quận và phường, cho nên dẫu chưa thật sự đáp ứng yêu cầu “ba trong một” của HĐND thành phố khoá này trong thực thi công vụ, nhưng việc tăng cường số lượng đi đôi với chất lượng tương thích của các đại biểu chuyên trách cũng đã thể hiện quyết tâm chính trị của thành phố trong nhiệm kỳ mà HĐND thành phố phải gánh vác nặng nề hơn so với trước.
Chuẩn bị của Đà Nẵng khi chính thức bước vào thời kỳ thực hiện mô hình chính quyền đô thị thể hiện ở việc ngày 30-6-2021, tân Chủ tịch UBND thành phố vừa tái đắc cử tại kỳ họp thứ nhất của HĐND thành phố khóa X đã quyết định bổ nhiệm chức danh chủ tịch và phó chủ tịch UBND các quận và huyện Hoàng Sa - điều đã từng diễn ra vào ngày 25-4-2009 trong lần thí điểm trước đây.
Điểm khác trước ở chỗ đây là lần đầu tiên một Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa được bổ nhiệm để cùng với Chủ tịch UBND huyện đảo góp phần tạo thêm sức mạnh chính trị của Đà Nẵng và của cả nước trong cuộc đấu tranh khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Ngay sau khi được bổ nhiệm, các tân chủ tịch UBND quận cũng đã khẩn trương tổ chức công bố quyết định của mình về việc bổ nhiệm chủ tịch và phó chủ tịch UBND phường.
Công tác cán bộ là vấn đề quan trọng bậc nhất trong quá trình thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị và tổ chức bộ máy chính quyền đô thị. Trước hết là việc giải quyết số người công tác chuyên trách dôi dư do không tổ chức HĐND quận và HĐND phường. Mặc dầu đã có kinh nghiệm xử lý vấn đề này trong lần thí điểm trước, nhưng đây là vấn đề con người đòi hỏi phải giải quyết từng trường hợp nên cũng không hề đơn giản.
Điều 39 Nghị định số 34/2021/NĐ-CP về bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND quận, phường và các công chức chuyên môn ở phường đã quy định cơ bản việc xử lý những nội dung này, nhưng cũng chỉ có thể nêu khung chung, việc vận dụng cụ thể đối với từng trường hợp còn tùy thuộc vào năng lực và sự công tâm của các chủ tịch UBND quận và chủ tịch UBND phường.
Tuy nhiên, vấn đề công tác cán bộ cần được tập trung xử lý là việc sắp xếp, bố trí người công tác chuyên trách tại UBND quận và UBND phường theo cơ cấu mới cũng cần phải thực hiện khoa học, hợp lý. Để thực hiện hiệu quả Khoản 3 Điều 38 Nghị định số 34/2021/NĐ-CP quy định “UBND thành phố Đà Nẵng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức phường đáp ứng tiêu chuẩn công chức và yêu cầu công việc”, thiết nghĩ cần tập trung bồi dưỡng hai chức danh chủ tịch UBND quận và chủ tịch UBND phường - thậm chí nên xây dựng hẳn một đề án tương tự như Đề án Tạo nguồn cán bộ cho chức danh bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, gọi tắt là Đề án 89 như trước đây.
Trước mắt, trong khi chờ xây dựng đề án bồi dưỡng dài hạn, có thể mở lớp tập huấn ngắn ngày dành cho số chủ tịch/phó chủ tịch UBND quận và chủ tịch/phó chủ tịch UBND phường vừa được bổ nhiệm về việc thực thi chức trách người đứng đầu theo chế độ thủ trưởng cơ quan hành chính trong mô hình chính quyền đô thị.
Như đã nói, hai lần thí điểm mô hình chính quyền đô thị thực chất là cả hai lần tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, do vậy rất mong rằng làm thế nào tính chất khoa học này được quán xuyến trong toàn bộ quá trình thí điểm, trước hết là thông qua hoạt động đánh giá hiệu quả của mô hình chính quyền đô thị so với mô hình chung, chẳng hạn như đánh giá cơ chế chủ tịch UBND cấp trên bổ nhiệm trực tiếp chủ tịch/phó chủ tịch UBND cấp dưới như đang thí điểm có gì thuận lợi hoặc khó khăn hơn, tốt hoặc không tốt so với cơ chế HĐND cùng cấp bầu trước đây.
BÙI VĂN TIẾNG