Thời sự và bàn luận
Phục hồi kinh tế trong an toàn kiểm soát Covid-19
Kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021 của thành phố âm 1,25%, trong đó khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đây là kết quả chúng ta đã có thể lường trước được do ảnh hưởng nghiêm trọng của làn sóng Covid-19 lần thứ tư. Với nỗ lực ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, bảo đảm hệ thống y tế không bị sụp đổ do quá tải, giảm thiểu tối đa số ca tử vong, bảo vệ sinh mạng cho người dân là trên hết và trước hết, chúng ta đã buộc phải chấp nhận hy sinh một phần thiệt hại trong lĩnh vực kinh tế.
Trong những ngày giãn cách xã hội, hầu như toàn bộ các hoạt động kinh tế ngưng trệ, phần lớn lực lượng sản xuất đều không làm việc, hệ thống phân phối lưu thông gián đoạn đã làm cho cả ba khu vực kinh tế thành phố đều sụt giảm tăng trưởng, nhất là khu vực công nghiệp, xây dựng, đây cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương cả nước phải đối mặt với đợt dịch lần này.
Thực hiện kết luận của hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về nhiệm vụ phục hồi kinh tế với mục tiêu phấn đấu đạt được kết quả cao nhất về tăng trưởng kinh tế năm 2021, “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19” theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ vừa ban hành, trong điều kiện thời gian còn lại của năm 2021 không còn nhiều, tình hình dịch bệnh vẫn còn xuất hiện ở nhiều địa phương, đòi hỏi chúng ta không chỉ quyết tâm chính trị mà còn cần có các biện pháp cụ thể, khả thi.
Trước hết, cần chuyển nhanh nhận thức về phòng, chống dịch, đặt yêu cầu bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết, đồng thời không gây ách tắc lưu thông, sản xuất. Các quyết sách, chính sách cần được đưa ra nhanh chóng, dứt khoát, tận dụng cơ hội “ vàng” của thời điểm phục hồi kinh tế sau đợt dịch. Hai là, khẩn trương giải quyết khâu lưu thông hàng hóa, đảm bảo vận tải thông suốt. Nhu cầu về nguyên vật liệu cho sản xuất và giải phóng hàng tồn kho sau thời gian đóng băng và tạm dừng sản xuất là rất lớn và cần được giải quyết càng sớm càng hiệu quả.
Bên cạnh hướng dẫn của Trung ương, thành phố cần sớm ban hành các hướng dẫn đồng bộ, thống nhất, dễ thực hiện, ưu tiên cao nhất cho vận chuyển hàng hóa, vật liệu đầu vào và lực lượng lao động của các đơn vị sản xuất, dịch vụ. Ba là, giải quyết nhân lực lao động. Đây là vấn đề mấu chốt trong việc đồng thời thực hiện nhiệm vụ “kép”. Việc ngừng hoạt động trong thời gian dài của nhiều ngành sản xuất đã làm thay đổi cơ cấu lực lượng lao động. Một bộ phận lực lượng lao động đã chuyển dịch ngành nghề hoặc dịch cư về quê, đi các địa phương khác dẫn đến sự thiếu hụt lao động khi nền kinh tế trở lại hoạt động toàn bộ công suất.
Trong khi việc tập trung đông lực lượng lao động vào một khu vực và nguồn lao động đến từ nhiều địa phương khác nhau luôn tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh, vì vậy cần sớm có các quy định cụ thể phòng dịch cho nhóm đối tượng này để các đơn vị kinh doanh, dịch vụ chủ động xây dựng các phương án phòng, tránh và tổ chức sản xuất. Đồng thời ban hành và thực thi các chính sách thu hút, giữ chân người lao động như nhà ở, bảo đảm điều kiện sống khi nhập cư, đào tạo nghề,... để chúng ta sớm ổn định lực lượng lao động không chỉ phục vụ sản xuất mà còn bảo đảm các dịch vụ đô thị. Và cuối cùng, giải quyết vốn cho sản xuất.
Sức khỏe tài chính của hầu hết các doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp lớn đã bị suy giảm nghiêm trọng do dịch bệnh kéo dài. Chuỗi cung ứng đứt gẫy, dòng tiền không thể lưu thông trong khi vẫn phải duy trì công tác vận hành, bảo dưỡng máy móc, thiết bị, trả lương công nhân, trả lãi và vốn vay đã bào mòn sức chống chịu của doanh nghiệp. Nỗ lực thực hiện kịp thời, nhanh chóng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất theo Nghị quyết 105/NQ- CP của Chính phủ, đồng thời với những chính sách “đặc biệt” riêng có của thành phố như hỗ trợ tiền thuê mặt bằng, tiền điện, tiền xét nghiệm Covid -19, tạo điều kiện vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố,… sẽ tạo dòng tài chính quan trọng “kích hoạt” lại chu trình sản xuất, dòng chảy kinh tế của thành phố.
Phục hồi nền kinh tế trong điều kiện bảo đảm an toàn dịch bệnh là một trong những nhiệm vụ cấp bách của những tháng cuối năm 2021, nhằm tạo đà tăng trưởng kinh tế thành phố năm 2022. Chủ động, linh hoạt, kịp thời thực hiện đồng bộ các biện pháp về vốn, nhân lực, lưu thông sẽ giúp nền kinh tế nhanh chóng “khởi động” và dần phát triển ổn định.
ĐẶNG VIỆT DŨNG