Nỗ lực chăm lo an sinh xã hội, giảm nghèo

.

Đảng và Nhà nước ta luôn xác định, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, để thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Đồng thời đó cũng là nhân tố để gia tăng sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tạo dựng lòng tin bền vững của toàn dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chống lại mọi âm mưu phá hoại thâm độc của các thế lực thù địch trong và ngoài nước luôn nhằm vào để bôi nhọ, nói xấu chế độ.

Trên tinh thần đó, qua các kỳ đại hội, nhất là Đại hội lần thứ XXII, Đảng bộ thành phố xác định những mục tiêu quan trọng về kinh tế-xã hội đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là không ngừng phấn đấu để “người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo”. Đây được xem là điểm nhấn mang ý nghĩa nhân văn cao cả mà Đảng bộ và chính quyền thành phố đặt ra nhằm tập trung mọi nỗ lực của cả hệ thống chính trị thực hiện. Đi đôi với các chương trình “5 không, 3 có”, chương trình “4 an”, trong đó Đà Nẵng đặc biệt coi trọng công tác “xóa đói, giảm nghèo” để cho toàn thành phố không còn hộ đói nghèo, không còn người lang thang cơ nhỡ xin ăn như đã từng diễn ra trong những năm về trước.

Nhìn lại bức tranh toàn cảnh của Đà Nẵng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, nhất là từ khi thành phố trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (năm 1997), đến nay đã có những thay đổi “ngỡ ngàng” về đời sống của người dân trên nhiều phương diện. Từ cảnh nhà chồ nhấp nhô phường Nại Hiên Đông ở bờ đông sông Hàn, đến những con hẻm chật chội, chen chúc rải khắp thành phố thì nay Đà Nẵng đã có một diện mạo hoàn toàn mới mẽ, khang trang sạch đẹp thông qua quá trình chỉnh trang đô thị với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”... Không chỉ có vậy, cuộc sống căn bản của người dân thành phố không ngừng được cải thiện, chất lượng được nâng cao cả về tinh thần lẫn vật chất.

Chỉ riêng về công tác “xóa đói, giảm nghèo” đã được xem là một “mặt trận” mà toàn bộ hệ thống chính trị thành phố đã cùng nhau vào cuộc trong suốt mấy chục năm qua để tập trung giải quyết cho từng đối tượng, từng người, từng hộ, từng khu dân cư, từng phường, xã. Năm 2015, thành phố cơ bản xóa hết hộ nghèo, về đích sớm 2 năm so với kế hoạch. Không thỏa mãn với kết quả đạt được, Đà Nẵng quyết định nâng mức chuẩn thu nhập hộ nghèo cao hơn mức quy định chung của cả nước. Theo đó, mức chuẩn hộ nghèo mới ở Đà Nẵng có thu nhập 1,1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1,3 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Trong khi đó, chuẩn hộ nghèo của cả nước là có thu nhập 700.000 đồng/người/tháng ở nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở thành thị.

Đi đôi với đó là thành phố nâng mức hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo; giảm tiền thuê nhà khi thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước; giảm tiền sử dụng đất; vận động các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh phong trào giúp đỡ nhau nguồn vốn phát triển kinh tế để thoát nghèo. Đặc biệt, vượt qua hai năm bị Covid-19 hoành hành, kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2019-2021 của thành phố cơ bản đều đạt và thực hiện khá tốt; các chỉ tiêu chính sách về vốn, y tế, giáo dục, nhà ở, bảo trợ xã hội đảm bảo 100% người nghèo, hộ nghèo được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ; đời sống của đại bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo được cải thiện trên nhiều mặt; đến cuối năm 2021, thành phố còn lại 4.500 hộ nghèo theo chuẩn thành phố, chiếm tỷ lệ 1,5% (trong đó, hơn 0,5% tỷ lệ hộ nghèo phát sinh do ảnh hưởng của Covid-19).

Để tiếp tục các thành quả đạt được, ngày 29-4-2022, thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025. Trong đó, năm 2022 phấn đấu giảm 2.990 hộ nghèo còn sức lao động, chiếm tỷ lệ 1% và 1.320 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,44% theo chuẩn nghèo đa chiều. Với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo, đồng thời hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống, trong giai đoạn 2022-2025, thành phố phấn đấu giảm hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn nghèo đa chiều hằng năm 1-1,5%; phấn đấu đến cuối năm 2024, không còn gia đình chính sách có công cách mạng thuộc hộ nghèo.

Ở một phương diện khác, thành phố cũng phấn đấu hỗ trợ 5.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng quy mô việc làm, trong đó hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được vay vốn không lãi suất. Ngoài ra, 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; duy trì 100% trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi; tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo qua đào tạo đạt 60% và có tối thiểu 1.200 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở, bảo đảm có nhà ở an toàn, cố định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững…

Có thể nói, công tác “xóa đói, giảm nghèo” không phải là câu chuyện của ngày một, ngày hai mà đó là cuộc vận động xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển của đất nước nói chung, thành phố nói riêng. Đi đôi với nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền về việc thường xuyên bổ sung, hoàn thiện các chính sách, giải pháp giảm nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững… thì việc tuyên truyền đến người dân thành phố nhằm phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”, tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo; vận động, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường của người dân, nhất là người nghèo vươn lên trong cuộc sống; xây dựng cuộc sống ấm no của người dân và cộng đồng là hết sức quan trọng. Đây cũng chính là “chất keo” bền vững trong suốt chiều dài của lịch sử để gắn kết cộng đồng dân cư thành phố cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nhất là trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố hiện nay. 

Một khi đời sống về tinh thần và vật chất của người dân không ngừng được cải thiện, tinh thần đoàn kết được nâng cao sẽ là nhân tố quan trọng góp phần đắc lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đồng thời, sự thành công đó của chúng ta cũng chính là câu trả lời mạnh mẽ nhất, rõ ràng nhất đối với các thế lực thù địch trong và ngoài nước lâu nay luôn tìm mọi cách để chống phá cả trên lĩnh vực tư tưởng lẫn trong thực tiễn của đời sống như tình trạng đói nghèo, hay trật tự an ninh bị xáo trộn...

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.