Thời sự và bàn luận
Để chợ đêm ngày càng thu hút du khách
Kinh tế đêm được xem là “mỏ vàng” của những điểm đến du lịch, dịch vụ, trong đó có hoạt động kinh doanh các chợ đêm. Song, để các chợ đêm phát huy hiệu quả, cần có cơ chế, chính sách cũng như sản phẩm du lịch dịch vụ phù hợp thị hiếu của du khách.
Du lịch, dịch vụ đêm của Đà Nẵng được thành phố quan tâm, đầu tư nhiều sản phẩm, dịch vụ mới bằng nhiều loại hình khác nhau như mô hình thí điểm bãi biển đêm Mỹ An, chợ đêm Sơn Trà, chợ đêm Helio, phố du lịch An Thượng (phố đi bộ và chợ đêm), các chương trình biểu diễn nghệ thuật (chương trình Áo dài show, hồn Việt…), tour du ngoạn sông Hàn về đêm, cầu Rồng phun lửa phun nước, trải nghiệm đêm Bà Nà (Bà Nà by night), các hoạt động dịch vụ về đêm hai bờ sông Hàn và tuyến biển như: bar, tụ điểm giải trí, nhà hàng, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp…
Các hoạt động này được đầu tư, đưa vào hoạt động góp phần làm đa dạng sản phẩm cũng như điểm đến cho du lịch đêm Đà Nẵng, tuy nhiên, sau thời gian phục vụ vẫn chưa thực sự như kỳ vọng. Đơn cử như mô hình tuyến phố đi bộ, chợ đêm tại phố du lịch An Thượng, khai trương từ giữa tháng 8-2023. Đây là sản phẩm du lịch mới, khớp nối các hoạt động của bãi biển đêm Mỹ An tạo thành chuỗi sản phẩm hứa hẹn sẽ thu hút sự quan tâm của du khách đặc biệt là khách quốc tế. Thế nhưng, sau hơn 3 tháng triển khai, các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại đây đã bộc lộ những tồn tại, bất cập.
Theo chia sẻ của một số đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú gần phố đi bộ, chợ đêm An Thượng, lâu nay khu vực này được xem là khu phố Tây, có rất đông khách nước ngoài lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí. Mô hình phố đi bộ, chợ đêm An Thượng được tổ chức thí điểm để phục vụ khách du lịch, thế nhưng quy mô khá nhỏ với khoảng 30 gian hàng chủ yếu là ẩm thực, nước uống kiểu bình dân, ăn vặt... nên chưa tạo được điểm nhấn và không thu hút được sự quan tâm của du khách khi đến đây. Ngoài ra, đây là tuyến phố dân sinh, không gian mở với nhiều cơ sở lưu trú nên các vấn đề về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, ô nhiễm tiếng ồn chưa được giải quyết triệt để… cũng ảnh hưởng rất nhiều đến du khách lưu trú.
Muốn phát triển kinh tế ban đêm và thu hút khách, cần phải nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của từng thị trường khách. Tâm lý của khách quốc tế khi đi du lịch thường muốn trải nghiệm những sản phẩm, dịch vụ đậm tính văn hóa bản địa thì điểm đến có thể hình thành các cụm kinh doanh dịch vụ ẩm thực là các món ăn mang đậm tính địa phương, có sự tham gia trao đổi mua bán của người dân địa phương; hoặc có thêm các gian hàng bán các sản phẩm lưu niệm, đặc sản của Đà Nẵng, miền Trung để kích thích trải nghiệm, thưởng thức, mua sắm…
Du lịch Đà Nẵng đang có sự phục hồi khá tốt, tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ 10 tháng năm 2023 ước đạt gần 6,4 triệu lượt, tăng 96,6% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, khách quốc tế đạt 1,7 triệu lượt, tăng 153,3% so với cùng kỳ; khách trong nước đạt hơn 4,7 triệu lượt, tăng 83,5% so với cùng kỳ. Dự kiến cả năm 2023 khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 7,1 triệu lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt 2,2 triệu lượt, khách nội địa khoảng 4,9 triệu lượt. Mục tiêu năm 2024, khách do cơ sở lưu trú phục vụ phấn đấu đạt 8,05 triệu lượt, trong đó khách quốc tế khoảng 2,5 triệu lượt, khách nội địa khoảng 5,55 triệu lượt.
Muốn đạt được mục tiêu đề ra, ngành du lịch thành phố cần triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thu hút khách. Bên cạnh chuẩn bị các sản phẩm du lịch, ngành du lịch thành phố cần tổ chức đánh giá kết quả triển khai thí điểm các hoạt động vui chơi giải trí về đêm tại bãi biển đêm Mỹ An. Đồng thời các địa phương, đơn vị rà soát, triển khai các giải pháp hoàn thiện phố du lịch An Thượng theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp thị hiếu du khách; khuyến khích tạo điều kiện hỗ trợ các khu, điểm du lịch tổ chức các chương trình tham quan, du lịch ban đêm phục vụ du khách.
CAO MINH