Thời sự và bàn luận
Động lực quan trọng để sớm trở thành trung tâm tài chính khu vực
Ngày 5-3, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính tại Việt Nam. Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng không chỉ là bước hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước mà còn là động thái cần thiết để nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính khu vực.
Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, từ lâu được định hướng trở thành một trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế. Trong khi đó, Đà Nẵng cũng hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm tài chính khu vực.
Sự phát triển của các trung tâm tài chính này không chỉ giúp Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế, mà còn mở ra cơ hội lớn để tăng cường vị thế tài chính của đất nước. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ khi có các trung tâm tài chính đạt chuẩn quốc tế mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với các nguồn tài chính hiện đại, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia.
Việc thể chế hóa chủ trương này thông qua một nghị quyết của Quốc hội dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp vào tháng 5-2025, giúp tạo ra khung pháp lý rõ ràng, thu hút các nhà đầu tư và tạo điều kiện để các trung tâm tài chính hoạt động hiệu quả.
Là một trong những đô thị lớn và phát triển nhanh của miền Trung, Đà Nẵng hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để trở thành trung tâm tài chính khu vực. Thành phố sở hữu vị trí địa lý chiến lược, kết nối dễ dàng với các thị trường lớn trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, và ASEAN.
Cơ sở hạ tầng hiện đại, môi trường đầu tư thông thoáng cùng nguồn nhân lực chất lượng cao là những lợi thế đáng kể giúp Đà Nẵng trở thành một trung tâm tài chính hấp dẫn. Không chỉ có lợi thế về địa lý và kinh tế, Đà Nẵng còn được đánh giá cao về chất lượng quản lý và điều hành, minh chứng qua nhiều năm liên tiếp đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Đặc biệt, thời gian qua lãnh đạo thành phố rất tích cực tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Mới đây nhất là hoạt động tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm xây dựng trung tâm tài chính quốc tế trong chuyến công tác của lãnh đạo thành phố tại Singapore, một trong những mô hình thành công hàng đầu thế giới. Với nền tảng vững chắc này, việc Đà Nẵng trở thành một trung tâm tài chính khu vực là hoàn toàn khả thi, góp phần cân bằng sự phát triển giữa các vùng kinh tế trong nước.
Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP không chỉ mở ra cơ hội phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế cả nước. Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, đây là cơ hội để hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút thêm nhiều tập đoàn tài chính quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của thành phố trên bản đồ tài chính toàn cầu.
Với Đà Nẵng, nghị quyết này là bước đệm quan trọng để thành phố từng bước phát triển thành một trung tâm tài chính khu vực, thu hút các nguồn vốn lớn và thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế liên quan. Cả hai thành phố, với vai trò là các trung tâm tài chính, sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng.
Để xây dựng thành công các trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhóm chủ thể chính. Chính phủ và Quốc hội đóng vai trò hoạch định chính sách, xây dựng khung pháp lý phù hợp. Chính quyền địa phương cần chủ động triển khai các chính sách, cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp. Các tổ chức tài chính và doanh nghiệp tích cực tham gia, đầu tư nguồn lực và công nghệ để tạo nên hệ sinh thái tài chính hiện đại, hiệu quả.
Việc xây dựng các trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là bước đi chiến lược, không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính khu vực. Trong dài hạn, sự phát triển của các trung tâm này sẽ tạo điều kiện để Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn quốc tế, tăng cường khả năng hội nhập và góp phần vào sự ổn định kinh tế khu vực Đông Nam Á.
Với những quyết sách đúng đắn và sự quyết tâm của Đảng và cả hệ thống chính trị, Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự thành công của các trung tâm tài chính này trong tương lai.
TRUNG ĐOÀN