Lâu nay, nhiều báo phản ánh về tình trạng “xe dù, bến cóc” và đưa ra các giải pháp để xử lý dứt điểm tình trạng này. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn chưa được xử lý triệt để mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc rất quyết liệt.
Tôi thường xuyên về quê và nhiều lần đi xe khách trên tuyến Đà Nẵng - Đông Hà nên tận mắt chứng kiến nhiều chuyện thật như đùa. Lâu nay chúng ta cứ đổ lỗi cho hành khách không chịu vào bến mua vé mà đón xe ở trên đường cho tiện dẫn đến tình trạng “xe dù, bến cóc”. Điều này cũng chỉ đúng một phần đối với những ai thuận đường, có lộ trình cùng với tuyến đường xe đi qua; còn phần lớn khi khách mới bước chân vào bến thì đã bị các nhà xe (gồm tài xế, phụ xe và cả xe ôm được chủ xe khách thỏa thuận trước) lôi kéo, giành khách ngay từ cổng, thậm chí có khách còn bị tài xế túm lấy hành lý khi chưa rõ hành khách đi đâu về đâu thì thử hỏi làm sao khách có thời gian và điều kiện để vào bến mua vé.
Tuy xuất bến từ lúc 6 giờ nhưng mãi đến tận 7 giờ xe khách mới ra khỏi trung tâm thành phố, lý do là nếu xe chưa đủ khách thì tài xế cứ vòng lên vòng xuống trục đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Lương Bằng. Thậm chí, xe nào chưa có đủ số lượng khách như mong muốn thì họ sẵn sàng sang khách cho chiếc khác chạy cùng tuyến. Mặc dù hành khách phản đối quyết liệt nhưng tài xế vẫn ngang nhiên sang khách và trả lời một câu vô trách nhiệm “Khách ít thì làm sao mà chạy được, không đủ tiền đổ xăng”. Nhiều xe khách trên tuyến này thường có 3 - 4 phụ xe để bắt khách, họ có mặt ngay từ bến xuất phát nhưng khi đến Nam Ô thì các phụ xe nhảy xuống chỉ còn một người duy nhất theo tài xế đi hết hành trình. Đó là chưa kể trường hợp nếu các xe ôm đứng ở cổng bến xe bắt được khách thì tài xế xe khách sẵn sàng dừng lại dọc đường chờ, gây trễ giờ.
Các trường hợp trên tái diễn thường xuyên trong khi Cảnh sát giao thông (CSGT) vẫn đi tuần tra. Tại sao như vậy? Bởi trên xe thường có 3 - 4 phụ xe. Ngoài nhiệm vụ bắt khách dọc đường, họ còn canh chừng CSGT ở phía sau. Nếu thấy bóng dáng xe CSGT xuất hiện cách khoảng vài trăm mét thì họ sẽ cảnh báo và nhắc nhở tài xế chạy xe nghiêm chỉnh, đúng luật. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau khi xe CSGT vượt lên phía trên thì đâu lại vào đấy.
CSGT khi đi tuần tra thường đi nhanh và ít khi quan sát phía sau nên chỉ cần xe CSGT vượt lên trên là các tài xế lại ngang nhiên lạng lách và dừng lại dọc đường bắt khách. Chính vì vậy, vào sáng sớm, nhiều xe ra khỏi bến đúng giờ nhưng khoảng hơn 1 tiếng sau vẫn chưa ra khỏi trung tâm thành phố và chiếc chạy sau sẽ gặp chiếc chạy trước, rồi sau đó diễn ra cảnh tranh giành bắt khách dọc đường và thậm chí la ó, đùa giỡn, lạng lách mỗi khi chạy ngang qua mặt nhau. Nhiều chủ xe đi cùng tuyến thường quen biết nhau nên họ thường xuyên phát tín hiệu cảnh báo cho nhau mỗi khi thấy CSGT trên đường. Đó là chưa kể nhiều xe khách chở quá số người quy định và mỗi lần đi qua trạm CSGT thì kéo rèm và bảo hành khách cúi người xuống.
Do đó, để xử lý được tình trạng “xe dù, bến cóc”, CSGT cần kiểm tra chặt chẽ hơn và khi đi tuần tra cần nhanh nhạy, quan sát thật kỹ thì mới xử phạt được các xe khách vi phạm.
ĐOÀN LƯƠNG