Những điều nghe thấy

Chuyện vượt đèn đỏ

08:21, 09/05/2014 (GMT+7)

Thấy hiện nay trên đường phố Đà Nẵng một số người lơ là việc tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, một bạn trẻ là thành viên của nhóm Facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp” đăng câu khẩu hiệu “Tôi không bao giờ vượt đèn đỏ, vì tôi là người Đà Nẵng” vào diễn đàn để có ý nhắc nhở và mong mọi người tự giác hơn để “cuộc sống không những đẹp mà còn an toàn” - như lời bạn trẻ này bộc bạch.

Ý kiến này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo thành viên trong nhóm. Nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình cũng như đề xuất những ý tưởng khá táo bạo và có trách nhiệm để mong mọi người thực hiện và cơ quan chức năng ra tay, nhằm đem lại hình ảnh đẹp về người Đà Nẵng nói riêng và về thành phố Đà Nẵng nói chung - nơi lâu nay vốn để lại ấn tượng tốt trong mắt bạn bè gần xa về tính thân thiện, văn minh và lịch sự.

Thực ra, chuyện vượt đèn đỏ ở Đà Nẵng không phải là phổ biến, thế nhưng những hình ảnh không đẹp này thời gian gần đây có dấu hiệu gia tăng, nhất là trong đối tượng thanh - thiếu niên. Đề xuất các biện pháp chế tài đối với người vượt đèn đỏ, nhiều ý kiến đưa ra kinh nghiệm xử phạt ở nước ngoài và cả ngay từ trong nước. Chẳng hạn ở Đại Lộc - một huyện của tỉnh Quảng Nam rất gần Đà Nẵng, người vượt đèn đỏ thì bị ghi mức tiền phạt và tạm giữ giấy phép lái xe 30 ngày, gắn ở dưới cột đèn tín hiệu. Theo ý kiến bạn trẻ này “là có hiệu quả ngay”!

Một ý kiến khác đề xuất nên tham khảo ở các nước phát triển, khi họ “Chỉ cần phạt thật nặng một lần (chừng vài chục triệu đồng, lao động công ích trong khoa cấp cứu bệnh viện 1 tuần) là “tởn tới già”. Hoặc có thể không cần phạt tiền mà bắt các “cậu ấm cô chiêu” ra đường, ra chợ quét dọn, đổ rác 1 tiếng cho bà con xem là cũng tác động tích cực ngay.  Một bạn từng đi Canada về kể lại rằng, đi xe vượt đèn đỏ, hay là có cồn trong hơi thở bị phạt 4.000 đô-la Canada; tái phạm thì cho đeo cái bảng trước ngực, đi quét rác hoặc làm hướng dẫn giao thông cho các em học sinh qua đường tại các trường học; nghe nói bây giờ tăng mức phạt là ở tù từ 1 tuần trở lên nữa. Làm như vậy, theo bạn này, “đố ai dám vi phạm” và nếu được áp dụng tại Đà Nẵng thì rất hiệu quả, vì không gì hiệu quả bằng đánh vào cái sĩ diện người Việt… Cứ làm như vậy thì dần dà, ý thức người dân sẽ nâng cao hơn. Đặc biệt là đối với trẻ con, khi thấy bố mẹ của mình vượt, sau này các em cũng sẽ vượt. Vì vậy  phải nghĩ đến chuyện xây dựng cho thế hệ chủ nhân tương lai của thành phố về ý thức này nữa.

Nhiều ý kiến chung quanh chuyện vượt đèn đỏ của các bạn trẻ trên trang Facebook được lập ra với mục đích góp phần xây dựng thành phố ngày càng sạch đẹp, văn minh, rất đáng để mọi người quan tâm, từ cơ quan chức năng đến các đoàn thể, trường học. Một Đà Nẵng văn minh phải hướng tới không còn những hình ảnh không đẹp tại những giao lộ, những con đường một chiều hay trên những con đường có phân làn…

Xin lấy ý kiến của một bạn trên trang Facebook này để kết thúc cho bài viết: “Sự nghiêm túc trong việc dừng lại trước đèn đỏ là sự văn minh tối thiểu”.

Hy vọng, với lòng tự trọng, tự hào về thành phố quê hương, người Đà Nẵng sẽ làm được cái “văn minh tối thiểu” đó.

DÂN HÙNG

.