Môi trường
“Né” xử lý chất thải công nghiệp
Sự phát triển của các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã góp phần tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, việc hình thành và phát triển các KCN còn đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải công nghiệp của các doanh nghiệp (DN) thải ra.
KCN Hòa Khánh có 139 DN hoạt động nhưng mới có 92 DN ký hợp đồng thu gom và xử lý rác thải công nghiệp. |
Đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố có 6 KCN đã đi vào hoạt động và thu hút gần 300 DN. Theo ước tính, mỗi ngày các DN này thải ra khoảng vài chục tấn rác, chất thải rắn các loại và như vậy số lượng chất thải rắn mỗi năm thải ra từ các KCN lên đến cả chục nghìn tấn. Theo đánh giá của Xí nghiệp Xử lý chất thải công nghiệp (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng), số DN ký hợp đồng với đơn vị để thu gom và xử lý chất thải rắn không nhiều; đối với chất thải nguy hại, số DN ký hợp đồng xử lý theo đúng quy chế quản lý còn ít hơn.
Theo ông Nguyễn Thành Sanh, Giám đốc Xí nghiệp Xử lý chất thải công nghiệp, trong tổng số 283 DN đang hoạt động tại 6 KCN trên địa bàn, hiện chỉ có 194 DN ký hợp đồng với đơn vị để thu gom và xử lý chất thải do các DN này thải ra. Trung bình mỗi tháng, đơn vị thu gom và xử lý khoảng trên dưới 400 tấn rác thải, chất thải rắn của 194 DN này và hiện vẫn còn gần 100 DN hoạt động ở các KCN từ chối ký hợp đồng thu gom và xử lý rác thải, chất thải rắn.
Theo giải thích của một cán bộ thuộc Xí nghiệp Xử lý chất thải công nghiệp, sở dĩ nhiều DN không chịu ký hợp đồng trong việc thu gom và xử lý rác thải, chất thải rắn là do DN có mặt bằng rộng nên chôn lấp rác tại chỗ để giảm chi phí, số DN còn lại thuê các DN vận tải chở đi nơi khác đổ. Hiện việc xử lý rác thải công nghiệp ở các KCN đang diễn ra khá lộn xộn, có nhiều đơn vị thu gom và xử lý. Tình trạng các DN giao khoán hợp đồng xử lý rác thải cho các đơn vị đảm nhiệm thiếu sự kiểm tra, giám sát. Các đơn vị thu gom chất thải từ nhà máy, xí nghiệp về phân loại, những chất có thể tái chế được thì tận dụng, còn chất thải độc hại thì thải ra môi trường hoặc bị trộn lẫn trong rác thải sinh hoạt rồi đem chôn lấp, gây tác hại nghiêm trọng về môi trường.
Đánh giá về tác động gây ô nhiễm môi trường do rác thải, chất thải công nghiệp gây ra, ông Lê Đỡ, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng cho rằng: Tình trạng rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp thông thường được thu gom chung với chất thải rắn nguy hại khá phổ biến ở các DN hoạt động trong KCN. Đặc biệt là đối với các nhà máy tự xử lý rác thải phần lớn chưa phân loại rác và chưa có thiết bị xử lý phù hợp với mức độ nguy hại, do đó chỉ có những rác thải ít gây ô nhiễm mới xử lý được, còn lại các rác thải công nghiệp nguy hại thì việc xử lý bằng hệ thống xử lý rác thải thông thường đều không có tác dụng. Cũng theo ông Đỡ, hiện chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại của các DN ở KCN thải ra đang được đơn vị thu gom và đưa về bãi rác Khánh Sơn xử lý. Đối với rác thải nguy hại được xử lý bằng lò đốt, rác thải công nghiệp được xử lý rồi chôn lấp.
Trong những năm tới, lượng chất thải rắn tại các KCN trên địa bàn thành phố có xu hướng tăng nhanh theo số lượng DN đến đầu tư dự án tại các KCN. Vì vậy, việc tăng cường công tác quản lý chất thải rắn và nguy hại ở các DN trong KCN trên địa bàn từ chủ nguồn thải đến đơn vị thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý cần được theo dõi chặt chẽ, để chất thải công nghiệp được đưa đi xử lý triệt để.
Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG