Kênh Đa Cô (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) từ nhiều năm nay gây ngập úng do bị lớp đất đá, rác thải, bùn, bèo, dây leo phủ kín khiến dòng chảy không lưu thông. Mỗi đợt mưa dài ngày, các hộ dân quanh đó chỉ còn biết “đi sơ tán”.
Rác thải, dây leo đã chặn dòng chảy mỗi khi mưa lớn. |
Trước đây, cứ sau vài trận mưa lớn, nhà cửa của hàng trăm hộ dân thuộc các tổ từ 10 đến tổ 36 phường Hòa Khánh Nam chịu cảnh ngập trong biển nước. Qua khảo sát thực tế trên địa bàn phường, một số điểm thường gây ngập cục bộ ở tổ 10, 11, 14, 21, 22, và một phần các tổ 23, 24, 36, 16, 17. Tình trạng có mưa lớn trong nhiều ngày liền sẽ gây ngập ở mức cao 1,5m xảy ra ở các tổ 14, 16 và việc trở lại sinh hoạt bình thường phải hơn 1 tuần, 10 ngày, gây nhiều khó khăn trong đời sống người dân.
Năm 2009, thời điểm tháng 9, tháng 10, do mưa lớn kéo dài, nước lên nhanh, phường đã phải tổ chức di dời dân đến các nơi an toàn. Có khi phải di dời gần 40 hộ dân thuộc tổ 16 và trên 300 nhân khẩu của tổ 14 ra khỏi vùng ngập nước đến trú tại Trạm Y tế của phường và Trường tiểu học Hồng Quang. Anh Nguyễn Hùng (trú tổ 14) nhớ lại: “Nhà tôi cấp 4 nên không kê được đồ đạc lên cao, bữa đó cả nhà có việc phải về quê dài ngày, mưa lớn không ra được, đến khi ra tới nơi thì toàn bộ giấy tờ, quần áo đã ướt hết. Cả nhà chỉ còn biết đi ở nhờ nhà người quen. Sống chung với nước riết thì quen rồi, nhưng chẳng lẽ tới mùa mưa là cứ đi ở nhờ hay sao. Ở đây, dân xây nhiều phòng trọ nhưng chỉ cho thuê được mùa nắng chứ qua mùa mưa là sinh viên chạy hết”.
Trước sự lo lắng và bức xúc của hàng chục hộ dân sống tại các điểm nóng về ngập lụt, UBND phường Hòa Khánh Nam đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giải quyết tình trạng ngập cục bộ tại các điểm dân cư. Từ đầu năm 2010 đến nay, nhờ 3 đợt ra quân tập trung cao điểm của một số đơn vị đóng quân trên địa bàn như Tiểu đoàn 409, Trung đoàn 683, Trung đoàn hóa học BB 971... cùng với dân quân, Đoàn Thanh niên, các hội đoàn thể ở địa phương, đã chặt bớt cây cối dại ven mương, vét bùn, vớt bèo trên diện tích hơn 1.000m2, hệ thống kênh mương dọc các khu dân cư đã được khơi thông đáng kể. Riêng tại cống ở tổ 10 đã bị rác thải, giá hạ đổ ra gây tắc cống khiến môi trường ở đây ô nhiễm cũng được nạo vét, giảm ô nhiễm.
Tiểu đoàn 409 tham gia khơi thông cống tắc tại tổ 10. |
Ông Phạm Văn Trường, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, cho biết: Để chủ động chống ngập cục bộ, hạn chế thấp nhất những hậu quả trong thời gian tới, phường đã phân công từng cán bộ đứng điểm, phối hợp với các đoàn thể trong KDC chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết, tập trung lại một điểm, để khi xảy ra trường hợp phải di dân cũng chủ động được tình hình. Bên cạnh đó, phường cũng hợp đồng với các chủ xe xúc, khi cần thiết nhanh chóng xử lý các điểm ngập.
Năm vừa qua, phường đã khai thông dọc tuyến kênh đường vào cụm công nghiệp Phước Lý giúp lưu thông dòng chảy từ tổ 10-11 ra kênh Đa Cô. Về lâu dài, phường cũng đề xuất với UBND quận đề nghị thành phố đẩy nhanh việc khớp nối hạ tầng khu dân cư, cụm công nghiệp trên địa bàn, tránh tình trạng ngập nước cục bộ tại một số điểm. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là kinh phí xử lý môi trường của phường ít, việc vớt bèo trên kênh Đa Cô không thể giải quyết nhanh vì khối lượng bèo trên kênh rất lớn.
Bài và ảnh: Duyên Anh