Trong khi chờ các cơ quan chức năng tìm giải pháp hữu hiệu xử lý triệt để các điểm nóng ô nhiễm kéo dài trong nhiều năm qua, thì hiện tại, hàng trăm hộ dân sống gần KCN Hòa Khánh, bãi rác Khánh Sơn… vẫn tiếp tục phải đối mặt với ô nhiễm.
Do nguồn nước ô nhiễm nên 3 sào lúa của gia đình bác Mãi Thị Đẫm thu hoạch chỉ được hơn 1 tạ lúa/vụ. |
Theo phản ánh của các hộ dân sống xung quanh KCN Hòa Khánh, kể từ khi xuất hiện nhiều nhà máy hoạt động trong KCN, người dân đã phải sống chung cùng dòng nước đen ngòm với bao thứ chất thải độc hại, vi sinh vật gây bệnh. Bác Chín, nhà ở cuối đường số 4 KCN Hòa Khánh bức xúc: “Nước thải trong KCN Hòa Khánh được thải ra cuối đường số 4. Có sống ở đây mới biết nước thải của các nhà máy được xử lý như thế nào? Xử lý kiểu gì mà nước cứ đen ngòm. Không biết các ngành chức năng có biết không, chứ dân tôi sống ở đây hết chịu nổi rồi. Bây giờ thời tiết đang vào mùa nóng, mùi hôi, tanh nồng cứ thế bốc lên và theo gió bay vào từng nhà dân. Ban ngày còn đỡ, chứ vào ban đêm kinh khủng lắm! Vài tháng trở lại đây, cuối đường số 4 của KCN Hòa Khánh bỗng nhiễn xuất hiện một đống rác to đùng, bốc mùi hôi thối ghê sợ”.
Trồng lúa lúa lép, trồng đậu đậu chết, trồng khoai khoai không có củ… Đây là thực trạng đang diễn ra tại thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Theo phản ánh của người dân, hiện ruộng vườn ở đây đã bị bỏ hoang lâu năm, bởi họ chẳng biết trồng cây gì cho phù hợp vì nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Bác Mãi Thị Đẫm, 75 tuổi, ở tổ 2 thôn Trung Sơn, bức xúc: “Nhà tôi có 3 sào ruộng, nếu trước kia mỗi vụ cho năng suất gần 5 tạ thóc, bây giờ cả 3 sào lúa vừa thu hoạch cũng chỉ được vỏn vẹn hơn 1 tạ. Giá phân bón, công cán ngày một tăng… Cứ đà này, gia đình tôi cũng phải bỏ ruộng mất”. Cũng theo bác Đẫm, ruộng đất bị ô nhiễm không sản xuất được nên chăng Nhà nước cần thu hồi, đền bù hỗ trợ sớm để dân chuyển đổi ngành nghề khác cho đỡ cực. “Ở khu vực trên kia bây giờ ruộng đất được lấp làm dự án hết, còn ở dưới này đất ruộng bị bỏ hoang. Vào mùa mưa, khu vực này sẽ ngập hết bởi nước không biết thoát đi đâu. Nhiều thửa ruộng ở khu vực hiện đã được phân lô, làm nhà làm cửa hết rồi”, bác Đẫm lo lắng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cách đây khoảng một năm, do không chịu nổi ô nhiễm làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và đời sống, người dân thôn Trung Sơn đã buộc phải đắp đập ngăn chặn nguồn nước thải của KCN Hòa Khánh đổ về khiến hơn 12ha lúa không thể gieo cấy được. Trước tình trạng này, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai ngay việc nạo vét kênh xả nước thải từ cống số 4 ra đến cánh đồng của phường Hòa Hiệp Nam, chảy ra sông Cổ Cò xuôi về sông Cu Đê, không để tràn ra ruộng của thôn Trung Sơn. Ngoài ra, thành phố cũng đồng ý bồi thường thiệt hại về sản xuất trên diện tích 12ha của thôn Trung Sơn kể từ năm 2007 đến nay. Ông Ngô Văn Sa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Liên cho biết: Toàn bộ số tiền hỗ trợ đã được chuyển đến các hộ dân có ruộng bị ảnh hưởng ô nhiễm. Hơn 60 hộ dân bị thiệt hại được hỗ trợ hơn 80 triệu đồng, bình quân mỗi hộ nhận hơn 1,3 triệu đồng. Con số này so với thiệt hại của người dân phải gánh chịu chẳng thấm vào đâu. “Hiện người dân tiếp tục gửi đơn xin hỗ trợ thêm, bởi không ít thửa ruộng bị nguồn nước của KCN làm ô nhiễm đến giờ phải bỏ hoang cho cỏ dại mọc”, ông Sa nói.
Rời khu vực thôn Trung Sơn, chúng tôi tìm đến tổ 1, 2 Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Con đường dẫn vào khu vực này nằm giáp ranh với bãi rác Khánh Sơn cũng đang bị ô nhiễm nặng do lượng nước rỉ rác ở bãi rác Khánh Sơn thải ra. Bác Phan Phú Long sống ở gần đây nói: “Nước rỉ rác ở bãi rác ngày đêm cứ tuồn ra đây. Chú nhìn xem, nguồn nước đen ngòm, hôi thối kinh khủng. Hơn chục hộ dân ở đây với hàng chục hecta vườn phải bỏ hoang nhiều năm nay rồi. Trồng cây gì cũng chẳng sống được. Nếu không có giải pháp khắc phục ô nhiễm, nên chăng Nhà nước cần thu hồi đất rồi đền bù cho dân hoặc cho người dân chuyển đổi mục đích để tính chuyện khác”.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Trọng Hùng