.

Chọn cây phù hợp: Khó thay!

.
Tìm cây phù hợp cho đô thị Đà Nẵng xem ra không dễ, bởi những người làm công tác cây xanh chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, còn các nhà nghiên cứu thì đang tìm tòi.

Mô tả ảnh.
Tiến sĩ Võ Văn Minh, Trưởng khoa Sinh-Môi trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng: “Vườn đứng với cây xanh được trồng trong các hốc vải bố hoặc nhựa PVC (ảnh) là giải pháp phù hợp nhất với đô thị Đà Nẵng.
 
Phù hợp = chịu được gió, bão

Trong Đề án Phát triển cây xanh đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011-2015, hàng chục loại cây được đưa vào nhóm chủ lực (ưu tiên trồng) như lim xẹt, muồng tím, giáng hương, phượng vĩ… Tuy nhiên, theo ông Đặng Đức Thứ, Giám đốc Công ty Công viên-Cây xanh Đà Nẵng, để phân nhóm được như vậy phải dựa vào kinh nghiệm và quan sát, chứ chưa có một nghiên cứu chính thức nào. “Đà Nẵng là vùng đất cát, hàm lượng dinh dưỡng thấp, không giữ nước… nên rất khó chọn cây phù hợp. Mình cũng không thể nào so sánh với TP. Hồ Chí Minh vốn đã hình thành từ mấy trăm năm, Hà Nội có phù sa sông Hồng bồi đắp”, ông Thứ cho hay.

Theo Tiến sĩ Võ Văn Minh, Trưởng khoa Sinh-Môi trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, cây xanh phù hợp ở Đà Nẵng, ngoài những yếu tố chung, thì tiêu chí quan trọng nhất là có thể chịu được điều kiện gió, bão để không ngã đổ và gây nguy hiểm cho con người lẫn công trình. Trong đó, muồng tím với độ “lỳ” cần thiết, không cản gió, không dễ ngã… đã được xếp vào vị trí số 1. Hiện nhiều cây muồng tím lâu năm, có cây có đường kính lên tới 120cm, vẫn tồn tại ở nhiều tuyến đường như Lê Hồng Phong, Trưng Nữ Vương…

Ngoài ra, cây phù hợp phải không quá to, cao để khỏi… vướng dây điện. Ông Thứ dẫn chứng: Ở nhiều tuyến đường trồng hai bên cùng một loài, bên vướng dây điện bị chặt tơi tả và luôn trong tình trạng xơ xác; hoặc ở đoạn ngã ba Huế, bên có dây điện chạy ngang qua lại trồng cây rất to. “Trước đây 15, 20 năm, người ta trồng mà không hề tính đến các tác động đó”, ông nói.

Cây ven biển: Xanh không đều

Do tác động của nước biển xâm thực đã dẫn tới tình trạng xanh không đều của các loài cây trên tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành. Cây chỉ xanh mướt ở hai đoạn: từ Khu đô thị quốc tế Đa Phước đến đường Tôn Thất Đạm (Lê Độ nối dài), đoạn từ Khu du lịch Xuân Thiều đến hết đường Nguyễn Tất Thành (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) do có rừng phi lao che chắn. Còn đoạn ở giữa thì các cây phi lao bị khô cháy một bên, dừa khẳng khiu, xơ xác. Gió mùa đông bắc mang theo cái rét, hơi mặn mà không có gì chắn lại đã “thẳng tay” hủy hoại cả dừa và phi lao vốn là hai loại cây muôn đời phù hợp với khí hậu, đất đai ven biển. “Hiện nay mực nước ngầm đã hạ thấp đáng kể, các loài cây đã ngấm nước mặn, nên phải chọn các loài cây ưa mặn, trồng thành một hàng lang xanh thì mới giải quyết được tình hình. Chúng tôi đang nghiên cứu một số loài cây ở Mỹ có khả năng phù hợp với điều kiện Việt Nam, nhưng chưa thể công bố”, Tiến sĩ Minh cho hay.

Việc cải tạo đất đã được tính đến, nhưng xem ra đây là công việc quá tốn kém mà chỉ giải quyết được phần chìm (phần đất), còn phần trên vẫn hứng chịu bão, gió như thường. Tiến sĩ Minh cho biết: “Cải tạo đất chỉ thực hiện được ở một vùng, một khu vực nhỏ, còn đối với đất nhiễm mặn của Đà Nẵng thì bao nhiêu cho vừa”.

Vườn trên cao

Trong khi nhiều người đang loay hoay đi tìm cây phù hợp cho Đà Nẵng, thì Tiến sĩ Minh lại đưa ra giải pháp thay đổi phương thức trồng: Trồng vườn đứng thay cho cây trong phố, bởi loại hình này sẽ tạo màu xanh mát cho đô thị, vừa loại bỏ khả năng gây nguy hiểm trong mùa bão, gió và không ảnh hưởng đến kết cấu công trình. Bằng phương pháp thủy canh hồi lưu, cây thân leo nhỏ được trồng trong những hốc bằng vải bố hoặc nhựa PVC có chứa xơ dừa và đất nhiều dinh dưỡng, nước được bơm lên thấm dần xuống cây, sau đó được thu lại bằng một hệ thống ống rồi tiếp tục được bơm lên. Ở các tòa nhà cao tầng, các khu chung cư, nước tưới được tận dụng từ nước thải sinh hoạt còn giúp hạn chế lượng nước thải ra môi trường, và không tập trung nước thải về một số nhà máy xử lý gây quá tải như hiện nay.

“Muốn xanh hóa cho phù hợp với điều kiện của Đà Nẵng phải can đảm đột phá, thay đổi phương thức, không thể trồng cây cổ thụ”, Tiến sĩ Minh khẳng định.

Bài và ảnh: HẰNG VANG
;
.
.
.
.
.