Đây là khẳng định của ông Nguyễn Hòa Bình, Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường tại Hội thảo bàn về vấn đề “Bốc xếp an toàn, các phương pháp xử lý khu vực ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật và xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường” do Tổng cục Môi trường vừa tổ chức tại TP. Đà Nẵng.
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay trên toàn quốc có hơn 1.153 điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu (HCBVTVTL) trên địa bàn 39 tỉnh, thành phố; trong đó có 289 kho lưu giữ, 864 khu vực ô nhiễm môi trường và 185 khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hiện Nghệ An là địa phương có nhiều điểm tồn lưu nguy hại nhất, với hơn 190 điểm. Đứng thứ hai là Hà Tĩnh với 8 điểm; Thanh Hóa, Quảng Bình 7 điểm; Thái Nguyên 5 điểm; nhiều địa phương mới chỉ thống kê được 1 - 2 điểm như TP. Đà Nẵng, Hà Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Bắc Giang… và hiện còn rất nhiều địa phương chưa thực hiện thống kê nên danh mục các điểm tồn lưu là danh mục mở. Ông Nguyễn Hòa Bình cho hay, các loại HCBVTVTL chủ yếu là các loại hóa chất độc hại và khó phân hủy trong môi trường như: Lindan, Endrin, Wofatox, Ethyl parathion, Falisan…
Ông Phạm Ngọc Cảnh, Giám đốc Trung tâm Xử lý môi trường - Bộ Tư lệnh Hóa học: Hiện các khu vực ô nhiễm đang được cải tạo bằng cách trồng cỏ, ngũ gia bì, keo tai tượng để xử lý. Nhưng thực tế cho thấy, công tác xử lý các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật này còn rất nhiều khó khăn do công nghệ xử lý rất phức tạp, trong khi kinh phí cấp còn hạn hẹp, nhiều điểm ô nhiễm nằm trong các khu dân cư, trụ sở cơ quan làm việc của các tổ chức nên khó khăn trong các khâu giải phóng mặt bằng. |
Hầu hết các kho không được quan tâm tu sửa, gia cố hằng năm nên đều đã xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống thoát nước không có nên khi mưa lớn rửa trôi hóa chất tồn đọng gây ô nhiễm nước ngầm, nước mặt và ô nhiễm đất diện rộng, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và đời sống người dân. Trên thực tế, đã có nhiều đợt xử lý các nền kho chứa thuốc bảo vệ thực vật hoặc xây hầm bê-tông chôn thuốc tồn lưu, nhưng nhiều điểm có hiện tượng sụt lún, mùi thuốc bảo vệ thực vật bốc lên khi thời tiết thay đổi. Nhiều điểm ô nhiễm được đưa vào danh mục xử lý triệt để.
Được biết, hầu hết hóa chất bảo vệ thực vật đều có cấu trúc phân tử ổn định về mặt hóa học, có tính bền vững trong môi trường và có khả năng tích lũy sinh học cao trong cơ thể con người và động vật, nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài tới sức khỏe con người và môi trường. Và để tháo gỡ những vướng mắc, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do HCBVTVTL trên phạm vi cả nước giai đoạn 2010 - 2025. Theo đó, từ nay đến năm 2015, Tổng cục Môi trường là đầu mối tổ chức cho các bộ, ngành, địa phương tập trung xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại 185 điểm HCBVTV gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Giai đoạn từ năm 2016 - 2025 sẽ tiếp tục điều tra, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường các điểm tồn lưu HCBVTVTL gây ô nhiễm môi trường. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ xử lý dứt điểm ô nhiễm do HCBVTVTL.
Trọng Hùng