Ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” từ năm 2008, bằng những hành động và giải pháp thiết thực, Đà Nẵng đang thực hiện mục tiêu đến năm 2020 trở thành một thành phố hài hòa, thân thiện, an bình, một thành phố hấp dẫn và đáng sống.
Phong trào Ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp giúp người dân có trách nhiệm hơn với môi trường. |
Nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường
Xuất phát từ ý tưởng xây dựng thành phố môi trường của Thành ủy Đà Nẵng, năm 2008, UBND thành phố đã ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”. Với đề án này, Đà Nẵng đã là địa phương điển hình trong cả nước có định hướng xây dựng thương hiệu môi trường đến năm 2020.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Đà Nẵng thu hút được nguồn khách du lịch nhiều trong vài năm gần đây chính là nhờ môi trường thành phố sạch sẽ, thông thoáng, công tác vệ sinh đô thị được bảo đảm. Năm 2012, để phù hợp với định hướng phát triển du lịch, công tác thu gom rác đã được thành phố thực hiện theo phương thức thu gom theo giờ. Với phương thức này, thời gian đặt thùng và thu gom rác thải diễn ra từ 15 giờ đến 21 giờ hằng ngày; qua đó, đã hạn chế số lượng thùng đặt trên các tuyến đường chính, bảo đảm mỹ quan đô thị, giảm thời gian đặt thùng rác trước nhà dân từ 24 giờ còn 6 giờ mỗi ngày và bảo đảm vệ sinh môi trường tại mỗi vị trí đặt thùng rác.
Không những thế, thành phố luôn tổ chức và duy trì thực hiện Phong trào Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp, nâng cao ý thức và tạo dần thói quen cho cộng đồng có trách nhiệm với môi trường. Nhiều vấn đề môi trường ở cơ sở vì thế được cộng đồng chung tay giải quyết. Ngoài ra, việc chú trọng đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp (KCN) cũng được thành phố đặc biệt quan tâm. Từ chỗ chỉ có 2 hệ thống xử nước thải tập trung của KCN Đà Nẵng và KCN Hòa Khánh, đến nay, đã có 5 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Mô hình xã hội hóa trong công tác thu gom và xử lý nước thải đã giúp thành phố huy động các nguồn lực và nâng cao nhận thức của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, các tổ chức xã hội và cộng đồng cùng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Theo đó, các đơn vị có đủ năng lực được tham gia đầu tư kinh doanh xử lý nước thải trong các KCN, giúp thành phố khống chế được những tác động tiêu cực từ nước thải công nghiệp đến môi trường tự nhiên.
Thành phố của những giải thưởng môi trường
Tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước ASEAN lần thứ 19 diễn ra tại Indonesia vào tháng 11-2011, thành phố Đà Nẵng được trao giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN”. Theo quy định chung của tổ chức ASEAN, tiêu chuẩn đánh giá một thành phố bền vững về môi trường dựa trên 3 tiêu chí về chỉ số không khí sạch, nước sạch và đất xanh, sạch. Cả 3 tiêu chí Đà Nẵng đều đạt loại tốt dựa trên kết quả khảo sát quan trắc không khí, khảo sát việc thu gom và xử lý rác thải, bảo vệ không gian xanh và tỷ lệ người dân tiếp cận nguồn nước sạch, bảo vệ tài nguyên nước, các hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng...
Kế tiếp giải thưởng này, năm 2012 tại Hội nghị Năng lượng Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 44 diễn ra tại Washington (Mỹ), Đà Nẵng được bình chọn là 1 trong 20 thành phố trên thế giới có hàm lượng carbon thấp nhất. Đây có thể coi là những thành quả bước đầu cho những nỗ lực của Đà Nẵng trên chặng đường xây dựng “Thành phố môi trường” vào năm 2020. “Không phải ngẫu nhiên, Đà Nẵng được đón nhận các giải thưởng thành phố phát triển bền vững về môi trường, mà đây là kết quả sự định hướng của Thành ủy, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của UBND thành phố, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và đặc biệt là người dân Đà Nẵng trong công tác bảo vệ môi trường”, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng lý giải.
Nhiều kết quả đạt được trong công tác bảo vệ môi trường tại Đà Nẵng những năm qua đang góp phần thúc đẩy nhanh việc đưa Đà Nẵng sớm trở thành một thành phố năng động, đáng sống; một thành phố để người dân có thể tự hào và là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước khi đến với Đà Nẵng.
Bài và ảnh: THANH TÌNH