Từ việc bị ảnh hưởng xấu về môi trường bởi quá trình đô thị hóa quá nhanh, trở thành thành phố xanh, sạch và thân thiện về môi trường là sự phấn đấu nỗ lực không ngừng của Đà Nẵng. Với sự chỉ đạo sát sao, tinh thần thực hiện quyết liệt, Đà Nẵng đã và đang từng bước tiến đến mục tiêu “thành phố môi trường” dù còn gian khó.
Công ty Công nghệ thông tin Điện lực miền Trung là doanh nghiệp sản xuất theo công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. |
“Đánh” vào điểm nóng ô nhiễm
Đưa chúng tôi đi dọc bờ sông Phú Lộc, từ cửa biển men theo hai bờ sông ngược lên Hòa Minh, Hòa Khánh..., ông Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Tâm ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) nói: “Mấy năm trước, khi đi trên đường Nguyễn Tất Thành, đoạn qua cầu Phú Lộc, ai cũng phải nín thở, phóng xe chạy cho nhanh. Còn dân chúng tôi sống ở quanh đây đành chịu đựng”. Ông Tuấn bảo, mùi hôi thối từ dòng nước đen ngòm bốc lên nồng nặc, nhất là lúc trở trời, nắng nóng. Kể từ khi hệ thống nước thải được tách ra một phần, xử lý trước khi trả lại dòng, rồi kênh mương, cống rãnh khơi thông, rác thải được thu gom, dòng chảy bắt đầu trong, mùi hôi giảm dần. Nay chỉ khi nào trở trời mới thi thoảng bốc mùi nhưng so với trước hầu như giảm nhiều. Nhờ đó, mấy hàng quán, khách sạn, nhà nghỉ khu vực quanh đây tấp nập hẳn.
Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, cho biết khu vực cửa sông Phú Lộc là một trong 10 điểm nóng về ô nhiễm môi trường của Đà Nẵng từ giữa năm 2008 về trước, bao gồm các khu vực như: bãi rác Khánh Sơn, hồ Đầm Rong, hồ Đảo Xanh, các cống xả nước dọc bãi tắm Sơn Trà - Điện Ngọc, hệ thống nhà hàng ven biển, âu thuyền Thọ Quang, đặc biệt là nước thải, khí thải của các nhà máy ở các khu, cụm công nghiệp như Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, Liên Chiểu, chế biến thủy sản Thọ Quang...
Nhờ tập trung giải quyết các điểm nóng về ô nhiễm, với việc triển khai hàng loạt dự án dành riêng cho môi trường, hoặc lồng ghép các mục tiêu về xử lý ô nhiễm, bảo vệ và hồi phục môi trường, đến nay toàn bộ nước thải sinh hoạt chảy ra các khu vực nhạy cảm như dọc sông Hàn, một dải dài bãi tắm biển từ Xuân Thiều đến Thanh Bình, từ chân núi Sơn Trà đến giáp Điện Bàn - Quảng Nam cơ bản được làm sạch, tạo điểm nhấn cho phát triển du lịch, dịch vụ...
“Những năm trước, khu vực sản xuất của bà con không thể trồng cây được vì ô nhiễm trầm trọng, nước thải lúc nào cũng đen ngòm, nồng nặc. Nay đã giảm hẳn mùi hôi, nước cũng trong hơn và cá, tôm bắt đầu xuất hiện trở lại nên thỉnh thoảng tụi tôi cũng đánh bắt được”, ông Nguyễn Năm (ở thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) nói. Thôn này nằm ở cuối tuyến mương xả thải của khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh mở rộng. Hiện nay, các hồ chứa ở trung tâm thành phố cũng được xử lý và không còn là điểm nóng ô nhiễm, trong đó có các hồ lớn như Đảo Xanh, 29 tháng 3, Thạc Gián - Vĩnh Trung, Đò Xu... Tại các KCN, công tác xử lý nước thải được tăng cường đầu tư thực hiện. Các nhà máy đều phải có hệ thống xử lý ban đầu, đấu nối với hệ thống xử lý nước thải chung. Đà Nẵng cũng mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định.
Vẫn còn những nỗi lo
Bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, vẫn còn những nỗi lo về ô nhiễm môi trường. Đó là các điểm ô nhiễm môi trường chưa được xử lý triệt để hiện nay là KCN dịch vụ thủy sản và âu thuyền Thọ Quang. Ông Phan Thanh Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Minh Nghĩa than phiền: “Gần đây, chúng tôi thực hiện rất nghiêm việc xử lý nước thải ban đầu và đấu nối vào hệ thống xử lý chung. Việc giám sát của cơ quan chức năng chặt chẽ và thường xuyên. Vì vậy, hiếm doanh nghiệp nào liều xả lén nước thải chưa xử lý ra môi trường như trước đây. Như doanh nghiệp của tôi, mỗi tháng riêng chi phí xử lý nước thải đã vài chục triệu đồng. Thế nhưng, KCN dịch vụ thủy sản và âu thuyền Thọ Quang vẫn ô nhiễm”. Điều này không còn là lỗi của doanh nghiệp chế biến khi khu vực âu thuyền mỗi ngày có hàng trăm tàu cá vào ra, nhập hàng. Theo ghi nhận của chúng tôi, tất cả nước thải, chất thải của số tàu cá nói trên đều đổ thẳng xuống vịnh biển thì ô nhiễm môi trường là điều không tránh khỏi.
Đồng quan điểm, ông Mai Mã - Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng - phân tích: “Sau khi Công ty Quốc Việt (thành phố Hồ Chí Minh) đầu tư nhà máy xử lý nước thải tại KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang và chuyển giao qua chúng tôi quản lý, vận hành, hầu hết nước thải trong KCN dịch vụ này được xử lý đúng quy trình, tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Tuy nhiên, tại khu vực cảng cá, chúng ta chưa có giải pháp thu gom, xử lý nước và các chất thải khác từ tàu cá. Khu vực này lại chỉ có một cửa vào ra, nên tù đọng như trong ao, rất khó xử lý”.
Theo ông Nguyễn Điểu, để xử lý dứt điểm ô nhiễm ở khu vực này, đơn vị đang đề xuất thành phố nâng cấp, cải tạo khu vực cảng cá, neo đậu, trong đó có cả hệ thống thu gom nước thải từ trên tàu, đưa về nơi xử lý trước khi trả lại môi trường. Việc cải tạo cũng tính đến mở thêm cửa ra vào để nước lưu thông.
Trong lần đến Đà Nẵng gần đây, TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Việt Nam - đánh giá rất cao những kết quả của Đà Nẵng trong việc chủ động thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường, đặc biệt là chú trọng tất cả các yếu tố liên quan đến môi trường, cả môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội, bảo đảm quá trình phát triển bền vững trong tương lai với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống. Những kết quả của Đà Nẵng trong thực hiện đề án xây dựng thành phố môi trường được công nhận qua hàng loạt danh hiệu mà các tổ chức trong nước và quốc tế công nhận, gần đây nhất là Quỹ Rockefeller chọn Đà Nẵng là thành viên của chương trình “100 thành phố có khả năng phục hồi nhanh”.
Bài và ảnh: P.TRÀ - T.TÚ