.
Đà Nẵng - thành phố môi trường

Bài cuối: Những mục tiêu lớn

.

Không phải ngẫu nhiên Đà Nẵng đề ra các mục tiêu lớn lao, như “thành phố môi trường”, “thành phố đáng sống”, đô thị hiện đại ngang tầm châu Á... Mục tiêu ấy vừa là thách thức, vừa là động lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân Đà Nẵng.

Môi trường trong lành, sạch sẽ là một trong những lý do nhiều du khách chọn Đà Nẵng làm điểm đến.
Môi trường trong lành, sạch sẽ là một trong những lý do nhiều du khách chọn Đà Nẵng làm điểm đến.

Tạo môi trường níu chân du khách

Năm 2013, dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức do suy giảm kinh tế, nhưng Đà Nẵng vẫn có bước phát triển vững vàng. Đặc biệt, hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, tổng lượng khách du lịch đạt hơn 3,1 triệu lượt, tăng 17,2% so với năm 2012. Chị Nguyễn Thị Kim Liên, Phó phòng Chuyên đề và liên kết Công ty TNHH MTV lữ hành Vitours cho rằng: “Một trong những nguyên nhân khiến Đà Nẵng thu hút khách du lịch nhiều hơn, ở lại lâu hơn là môi trường tự nhiên rất trong lành, sạch sẽ; môi trường xã hội bình an, thân thiện. Những bãi tắm trải dài luôn tinh tươm, gọn gàng, hiếm thấy việc chèo kéo, o ép khách..., khiến người ta thích thú và tin tưởng. Và đó chính là điểm nổi bật trong thương hiệu du lịch Đà Nẵng”.

Để có những kết quả đáng tự hào trong bảo vệ và phát triển môi trường sống cho cư dân, cho phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền và người dân Đà Nẵng đã đồng lòng thực hiện các phong trào, các chương trình, đề án và quyết tâm hoàn thành những mục tiêu trọng điểm. Việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” và đề án “Thu gom rác theo giờ” tưởng chừng đơn giản, nhưng việc tạo thành thói quen tốt cho từng khối, tổ dân phố, đến từng hộ dân là cả quá trình vận động, thuyết phục, cùng làm, cùng hưởng thụ. Nhờ đó, cảnh quan đô thị Đà Nẵng mang lại nét khác biệt, cải thiện hơn hẳn nhiều đô thị lớn. Những điểm nóng về môi trường luôn nằm trong kế hoạch ngắn hạn, dài hạn của lãnh đạo thành phố.

Chương trình hành động của Thành ủy Đà Nẵng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng đã xác định rõ: Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Trong đó, phải tăng cường bảo vệ môi trường theo phương châm ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững.

TS Trần Văn Giải Phóng, chuyên gia về chiến lược giảm nhẹ thiên tai của LHQ tại Việt Nam, đánh giá: “Từ nhiều năm qua, lãnh đạo Đà Nẵng đã hình thành tầm nhìn, chiến lược khá toàn diện và đồng bộ trong việc ứng phó với thiên nhiên, từng bước khôi phục sự an toàn, thân thiện của môi trường. Sự hợp tác, hỗ trợ của LHQ, Liên minh châu Âu (EU), các tổ chức quốc tế như Rokefeller, GIZ, ADB, AFD... là minh chứng thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của quốc tế đối với những nỗ lực của Đà Nẵng trong bảo vệ môi trường, phát triển bền vững”.

Làm sao để phát triển bền vững?

Nói về việc xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường, TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Để xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố du lịch - môi trường - công nghệ cao, có môi trường sống lý tưởng, có giá trị nhân văn, hạnh phúc cho con người, không chỉ sánh mình với các thành phố trong cả nước mà còn sánh ngang với các thành phố nổi tiếng khác trên thế giới thì cần nhiều yếu tố. Trong đó, để đạt được yếu tố bền vững trong phát triển, mọi kế hoạch và chương trình mục tiêu luôn chứa đựng cả 3 mặt: kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường. Phát triển kinh tế phải hài hòa với phát triển văn hóa - xã hội”. Cũng theo TS Trần Du Lịch, phải đặt người dân Đà Nẵng vào vị trí trung tâm của sự phát triển và mục tiêu sau cùng là nhắm đến sự phát triển con người. Văn hóa vừa là nền tảng, vừa là động lực cho phát triển kinh tế. Sự giàu có về vật chất phải đi liền với sự phát triển tương xứng về đời sống tinh thần.

Chương trình hành động của Thành ủy về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đề ra 8 vấn đề trọng tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện từ nay đến năm 2020. Theo đó, phải tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”, bao gồm cả kiểm soát ô nhiễm không khí từ các nguồn như giao thông, sản xuất, đời sống, đẩy mạnh chương trình phát triển cây xanh đường phố và chú trọng kiểm soát môi trường nguồn nước, nhất là tại các khu công nghiệp theo tiêu chuẩn quốc gia; mở rộng và nâng cấp hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, y tế...; đồng thời từng bước xử lý chất thải tại bãi rác Khánh Sơn, xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy tái chế rác. Những khu vực còn ô nhiễm sẽ được thành phố tập trung giải quyết dứt điểm trong 1-2 năm tới.

Từ những thành tựu rất ấn tượng mà Đà Nẵng đã đạt được sau hơn 15 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và với tầm nhìn về tầm vóc một đô thị quốc tế trong tương lai, trên tinh thần Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về Đà Nẵng, có thể hình dung một cách tổng quát, trong 20 năm tới, Đà Nẵng là một trong những thành phố hiện đại, phát triển nhanh và năng động của khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, trở thành một trong các đô thị sống tốt nhất khu vực châu Á. Cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng sau năm 2030 sẽ giống cơ cấu kinh tế của các nền kinh tế phát triển (hậu công nghiệp), với các ngành dịch vụ chất lượng cao giữ vai trò chi phối. Đà Nẵng sẽ là một trong những đô thị thuộc top 50 khu vực sống tốt của thế giới, có sức hấp dẫn trong hệ thống các đô thị trên thế giới, xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của nhân dân.

Để tạo dựng “thương hiệu” cho mình, với Đà Nẵng, phía trước vẫn là chặng đường dài…  

Bài và ảnh: P.TRÀ - T.TÚ

;
.
.
.
.
.