Một trong những tiêu chí quan trọng của “thành phố văn minh, hiện đại”, “thành phố đáng sống”, “thành phố môi trường” chính là cây xanh đô thị. Nhiều chủ trương, chính sách trong việc phát triển cây xanh đô thị đã được UBND thành phố Đà Nẵng ban hành, chỉ đạo thực hiện và đã đạt được những kết quả không nhỏ, góp phần tạo nên hình ảnh Đà Nẵng mới đang trên đà xây dựng và phát triển.
Người dân trên địa bàn quận Hải Châu tham gia dọn vệ sinh môi trường. Ảnh: THANH TÌNH |
Đã có nhiều đánh giá, nghiên cứu về thực trạng cây xanh đô thị của Đà Nẵng; tiếng khen cũng nhiều nhưng lời chê cũng không ít. Đỉnh điểm của những lời khen chê ấy rơi vào sau thời điểm cơn bão số 11 năm 2013 (bão Nari).
Nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý cây xanh đô thị
Sáng 17-10-2013, chỉ 2 ngày sau cơn bão, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trong đó đề cập nội dung quản lý cây xanh đô thị. Con số 95% cây xanh ngã đổ sau bão (Báo Đà Nẵng số ra ngày 24-10-2013, bài “95% cây xanh ngã đổ sau bão số 11: Quy định một đằng, làm một nẻo”) đã dấy lên dư luận về quản lý cây xanh đô thị và là vấn đề nóng tại kỳ họp thứ 8 HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VIII.
Đã có những giải trình từ các cơ quan có trách nhiệm và cũng chỉ rõ những địa chỉ phải chịu trách nhiệm trong việc quản lý cây xanh đô thị. Rõ ràng, đã đến lúc phải tăng cường và đổi mới công tác lãnh đạo, quản lý cây xanh đô thị để đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân và cũng chính là đáp ứng yêu cầu phát triển của một thành phố văn minh hiện đại. Vì vậy, hội thảo “Ý tưởng phát triển cây xanh thành phố Đà Nẵng” nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý cây xanh đô thị do lãnh đạo Sở Xây dựng Đà Nẵng tổ chức vào thời điểm hiện nay được nhiều người quan tâm.
Trước hết, phải nói rằng chính quyền thành phố Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý Nhà nước trên lĩnh vực cây xanh đô thị. Không phải đợi đến năm 2012 - năm ban hành các đề án phát triển cây xanh đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011-2015 và Đề án Xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2015, công tác phát triển cây xanh đô thị mới được chú ý, mà trước đó nhiều năm lãnh đạo thành phố đã quan tâm chỉ đạo vấn đề này. Tuy đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng nhìn chung chúng ta còn phải đối mặt với nhiều tồn tại.
Phát triển cây xanh đô thị theo hướng bền vững
Để phát triển cây xanh đô thị theo hướng bền vững, khắc phục được những yếu kém làm ảnh hưởng đến cảnh quan và chất lượng môi trường đô thị, nếu chúng ta thực hiện đầy đủ và đồng bộ các giải pháp nêu ra trong Đề án Xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị thì sự chuyển biến trong phát triển cây xanh đô thị Đà Nẵng sẽ to lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, từ thực trạng hiện nay, cần quan tâm thực hiện một số việc sau để huy động sự tham gia tích cực và hiệu quả hơn của cộng đồng:
Điều đầu tiên là tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong việc phát triển cây xanh đô thị. Việc này chúng ta đã làm nhưng hiệu quả chưa cao, cần tiếp tục làm cho cả cộng đồng nhận thức và ý thức sâu sắc về lợi ích của cây xanh đô thị (lá phổi xanh của thành phố, có tác dụng trực tiếp đến sức khỏe của mỗi người, cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tâm thần). Phát triển cây xanh đô thị gắn liền với lợi ích của mỗi cá nhân trong cộng đồng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng môi trường - yếu tố quan trọng của thành phố đáng sống, thành phố môi trường; tạo sự hấp dẫn và thu hút khách du lịch đến với thành phố.
Có nhiều giải pháp cho vấn đề này, nhưng cần chú ý tăng cường giáo dục và truyền thông thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng; qua nội dung giáo dục cho học sinh, sinh viên; qua cổng thông tin điện tử của thành phố, qua website chuyên về cây xanh đô thị của thành phố và website của các cơ quan, đơn vị. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền và vận động; giữa truyền thông đại chúng với công tác tuyên truyền miệng; giữa thông tin truyền thông Nhà nước với công tác tuyên truyền đa dạng của Mặt trận và các đoàn thể đến hội đoàn viên…
Bên cạnh đó còn là việc cụ thể hóa chủ trương xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị bằng các chính sách gắn lợi ích của Nhà nước với lợi ích của cộng đồng và lợi ích của từng cá nhân tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị.
Từ năm 2005, Bộ Xây dựng tại Thông tư số 20/2005/TT-BXD về việc hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị, đã khuyến khích xã hội hóa công tác quản lý, trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị và phát triển vườn ươm cây. Tuy nhiên, Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11-6-2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị chưa đề cập rõ ràng chủ trương xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị. Đề án Xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2015 đã có bước cụ thể hóa chủ trương quan trọng này của Trung ương với 11 nội dung và 7 giải pháp. Tuy nhiên, xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị theo các nội dung và giải pháp của đề án sẽ thật sự đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian đến nếu có chính sách cụ thể gắn lợi ích của từng tổ chức, cá nhân tham gia trồng, chăm sóc, bảo về cây xanh đô thị với lợi ích chung của cộng đồng và Nhà nước; có sự phối hợp của các cơ quan trong hệ thống chính trị, chung tay vì “đô thị xanh” bằng sự chỉ đạo thống nhất và toàn diện từ cơ quan lãnh đạo cao nhất thành phố; không để một mình ngành xây dựng lo toan.
Để phát triển cây xanh đô thị theo hướng bền vững, còn cần đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây”, “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, “khuyến xanh” gắn với phong trào thi đua “dân vận khéo” trong trồng, chăm sóc, bảo về cây xanh đô thị.
Hơn nữa, cần thực hiện tốt quan điểm “Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt” trong công tác vận động nhân dân tham gia trồng, chăm sóc, bảo về cây xanh đô thị. Ngoài ra, còn cần tạo điều kiện để nhân dân thực hiện chức năng giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển cây xanh đô thị, củng cố lòng tin của nhân dân vào các chủ trương, chính sách đúng đắn đó.
Công khai, minh bạch thông tin về các chủ trương, chính sách phát triển cây xanh đô thị, về các dự án cây xanh tại địa phương (từ bất cứ nguồn vốn nào) cho nhân dân thấu hiểu và tạo điều kiện để nhân dân giám sát trực tiếp hoặc thông qua giám sát đầu tư cộng đồng, qua ban thanh tra nhân dân hay thông qua các tổ chức đại diện mình như Mặt trận và các đoàn thể sẽ củng cố lòng tin của nhân dân vào các chủ trương, chính sách đúng đắn đó. Thực hiện Pháp lệnh 34 về dân chủ cơ sở, tạo điều kiện để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển cây xanh đô thị là trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Có chủ trương, chính sách đúng đắn, có đội ngũ cán bộ hết lòng vì công việc, có lòng tin của nhân dân và nay có cả “dân vận khéo” nữa thì “việc gì cũng thành công”(1), kể cả việc phát triển cây xanh đô thị.
TRẦN ĐÌNH LIỄN
(1)“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 1995 t5, trang 700)