Mặc dù thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện “mạnh tay” với các lô đất trống trên địa bàn. Song tình trạng dọn rồi lại tái diễn ô nhiễm tiếp tục xảy ra.
Rác thải, xà bần tại khu đất trống cạnh chân cầu Sông Hàn. Ảnh: THANH TÌNH |
Có mặt tại các lô đất trống trên các tuyến đường Trần Hưng Đạo, An Đồn, Nguyễn Văn Linh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Hồ Nguyên Trừng, Phan Anh, Huỳnh Tấn Phát, 2 tháng 9..., chúng tôi vẫn thấy còn nhiều lô đất trống chưa được dọn dẹp, rào chắn lại. Trên những bãi đất trống này, cơ man cỏ mọc um tùm xen lẫn giữa rác, xà bần... Theo những người dân sinh sống tại các khu vực này, khi đi qua những lô đất trống họ thường ngửi mùi hôi bốc lên, nhất là vào những ngày hè nóng nực.
Bà Anh, chủ một quán bún nhỏ trên đường An Đồn (quận Sơn Trà) cho biết: “Lô đất trống cạnh chân cầu Sông Hàn này đã tồn tại nhiều năm mà chưa có ai xây dựng. Mặc dù thi thoảng vẫn có các nhóm người đến dọn dẹp nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không giảm. Do không có người quản lý nên ban đêm nhiều người lén lút đến xả rác, đổ xà bần càng gây ô nhiễm thêm”. Anh Vũ, người dân sống trên tuyến đường Hồ Nguyên Trừng cho biết thêm: “Tình trạng các hộ dân bán cá trên vỉa hè các lô đất trống dọc đường Hồ Nguyên Trừng đã gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Phía ngoài thì ô nhiễm nước cá, bên trong các lô đất thì ô nhiễm rác thải do những người dân thiếu ý thức đổ lên bãi đất trống này”. Trên các tuyến đường 2 tháng 9, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Văn Linh, Hoàng Sa, Trường Sa… cũng trong tình trạng tương tự.
Theo quan sát của chúng tôi, đối với các lô đất trống có diện tích nhỏ, UBND các quận, huyện đã huy động lực lượng ra quân dọn dẹp trong các Ngày Chủ nhật - xanh - sạch đẹp. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng lại không có trang thiết bị chuyên dùng nên các quận, huyện cũng chỉ thực hiện phát quang cây cỏ và thu dọn những lô đất trống có khối lượng xà bần ít. Còn đối với các lô đất trống có diện tích lớn, khối lượng xà bần nhiều thì chỉ dọn dẹp vệ sinh chung quanh các lô đất.
Mặc dù các quận vẫn thường xuyên kiểm tra, nhưng việc quản lý các lô đất vẫn gặp khó khăn, nhất là vấn nạn đổ xà bần lén lút của một bộ phận người dân gây ô nhiễm môi trường. “Ở quận Hải Châu, hiện có hơn 50 lô đất trống trên địa bàn. Trong đó, đối với những lô đất lớn, quận đã đề nghị thành phố can thiệp, vì liên hệ làm việc với các chủ lô đất trống rất khó khăn, nhất là chủ các lô đất ở tận Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hải Châu cho biết.
Mặc dù đã dựng tường rào, song khu đất trống trên đường Hồ Nguyên Trừng vẫn chất đầy rác thải. |
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay thành phố Đà Nẵng còn tồn tại trên 1.500 lô đất trống gây ô nhiễm. Sở đã đề xuất thành phố thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các lô đất trống có chủ và không có chủ để xảy ra tình trạng rác thải, xà bần gây ô nhiễm môi trường để các chủ lô đất dọn dẹp vệ sinh và rào chắn. Ông Phạm Xuân Thu, Phó Văn phòng Sở Tài Nguyên và Môi trường, cho biết: “Để hạn chế tình trạng ô nhiễm, trước mắt, thành phố vẫn phải duy trì phong trào Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp để UBND các quận, huyện huy động lực lượng tổng dọn vệ sinh tại các lô đất trống; hoặc có thể đề xuất các mô hình tự quản như làm các khu vui chơi trẻ em… nhằm hạn chế gây ô nhiễm môi trường”.
Vấn đề đất trống đã được nhắc đến nhiều lần và đã có nhiều giải pháp đưa ra song vẫn chưa giải quyết triệt để. Thiết nghĩ, song song với việc dọn vệ sinh, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra và xử phạt mạnh đối với những trường hợp vi phạm. Tại các lô đất lớn các chủ đất chưa xây dựng có thể quy hoạch tạm thời cho nhân dân vào trồng rau, hoa… giữ đất; đồng thời, phối hợp với các quận, huyện treo biển cấm đổ rác, cấm buôn bán và số điện thoại đường dây nóng của Đội quản lý trật tự đô thị để người dân kịp thời phản ánh. Có như vậy mới có tác dụng răn đe đối với các trường hợp vi phạm.
Ông Nguyễn Thành Nam - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc: Không làm hãy thông báo cho dân biết Dự án công trình công cộng khu A1 nằm trên địa bàn phường An Hải Bắc được quy hoạch năm 2002, nhưng đến nay vẫn dậm chân tại chỗ. Sự chậm trễ trong công tác đền bù, giải tỏa đối với các hộ dân nằm trong vùng quy hoạch đã kéo theo nhiều hệ lụy, gây bức xúc cho nhân dân. Hiện nhiều hộ dân muốn làm thủ tục tách đất, xây dựng nhà mới cũng đành chịu vì “dính” quy hoạch dự án. Chưa hết, cũng vì dự án chậm triển khai nên nhiều khu vực dân cư ở tổ 37 (khu vực quy hoạch của dự án trên - PV), cơ sở hạ tầng vẫn chưa được đầu tư hoàn thiện như: hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng công cộng; đặc biệt nhiều hàng quán tạm bợ được xây dựng trên tuyến đường Phạm Văn Đồng - tuyến đường du lịch của thành phố, gây mất mỹ quan đô thị, vấn đề môi trường cũng như tình hình an ninh trật tự ở đây cũng khá phức tạp. Địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị với các ngành chức năng của thành phố, cần sớm giải tỏa khu vực này để xây dựng tuyến đường Phạm Văn Đồng trở thành tuyến đường du lịch của thành phố. Bằng không, nếu dừng triển khai dự án, hãy thông báo rộng rãi cho người dân biết để họ có hướng làm ăn mới, ổn định cuộc sống. Ông Hà Văn Thành – Phó Ban quản lý (BQL) dự án công trình đường Bạch Đằng Đông: Tiếp tục thực hiện công tác giải tỏa, đền bù Dự án công trình công cộng khu A1 nằm trên địa bàn phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư và Ban quản lý dự án Công trình đường Bạch Đằng Đông được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư cho các hộ dân nằm trong vùng quy hoạch của dự án. Theo đó, để thực hiện dự án sẽ phải giải tỏa 60 hộ dân nằm trong vùng quy hoạch của dự án. Từ năm 2011, BQL bắt đầu thực hiện công tác giải tỏa thu hồi đất đối với các hộ dân nói trên và đến thời điểm này, đã có 13 hộ bàn giao mặt bằng. Hiện vẫn còn 47 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng do một số hộ chưa chấp nhận mức giá đền bù cũng như khu vực tái định cư. Mặt khác, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng của dự án trên là do nguồn vốn thiếu nên rất khó để thực hiện đền bù cùng một lúc cho tất cả 60 hộ dân nằm trong vùng quy hoạch. Để đền bù cho 60 hộ dân nói trên cần đến 25 tỷ đồng, tuy nhiên trong năm 2014, thành phố mới có kế hoạch rót vốn 15 tỷ đồng để thực hiện công tác đền bù, giải tỏa. Vì vậy, với nguồn kinh phí này, BQL sẽ tiếp tục thực hiện công tác đền bù, giải tỏa theo từng khu vực của dự án. Còn đối với những hộ dân chưa được đền bù, giải tỏa trong năm 2014, BQL sẽ đề nghị thành phố sớm “rót” vốn để thực hiện nốt công tác đền bù, giải tỏa của dự án trong thời gian đến. TRỌNG HÙNG thực hiện |
Bài và ảnh: THANH TÌNH