Để xứng đáng là “Thành phố môi trường và đáng sống”, Đà Nẵng cần nhanh chóng tìm giải pháp phát triển cây xanh đô thị theo hướng bền vững.
Giải pháp phát triển cây xanh đô thị theo hướng bền vững đang được đặt ra với thành phố Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN |
Có thể nói, gần 4 thập niên qua, trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung, xây dựng đô thị nói riêng, các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách thường ít đề cập đến vấn đề môi trường. Đến khi cùng với việc tăng dân số, thiếu lương thực và ô nhiễm môi trường trở thành vấn đề nóng bỏng, bức xúc thì bài toán về môi trường mới được quan tâm, vấn đề môi trường mới được đặt vào đúng vị trí cực kỳ quan trọng của nó. Theo đó, hàng loạt khái niệm như phát triển bền vững; kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường… được đề cập nhiều hơn.
Tại thành phố Đà Nẵng nói riêng, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng nói chung, vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, vấn đề môi trường đã được các nhà lãnh đạo quan tâm. Kỹ sư Hoàng Đình Bá, cựu Trưởng ty Lâm nghiệp lúc bấy giờ, thông qua nhiều bài viết, kiến nghị đầy tâm huyết từ những thực nghiệp khoa học cụ thể của mình, đã khẩn thiết đề nghị phải phát động trồng cây xanh đô thị để bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt phải có biện pháp bảo vệ bán đảo Sơn Trà vì nó như lá phổi vô cùng quan trọng của Đà Nẵng.
Từ khi trở thành đơn vị hành chính mới - trực thuộc Trung ương đến nay, thành phố đã đề ra khẩu hiệu “Hãy hành động vì một Đà Nẵng xanh, sạch, đẹp”; các hội, đoàn thể phát động tích cực tham gia trồng cây gây rừng; tham gia xây dựng các con đường xanh, sạch, sáng…
Với những cố gắng trên, Đà Nẵng vinh dự nhận Giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN năm 2011”, “Thành phố có hàm lượng cacbon trong khí thải ra môi trường thấp nhất thế giới 2012” , “Thành phố phong cảnh châu Á”. Và mới đây, Đà Nẵng là một trong 33 thành phố đầu tiên trên thế giới được lựa chọn vào mạng lưới “100 thành phố có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu” của Quỹ Rockefeller.
Thực trạng
Gõ vào Google trong vòng 0,41 giây, thấy xuất hiện 4.890.000 thông tin liên quan đến cây xanh Đà Nẵng. Theo số liệu trong Đề án Phát triển cây xanh đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn (2011-2015), hiện nay diện tích cây xanh bình quân đầu người mới đạt ở mức 5m2/người; chưa đạt quy định theo tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng hiện hành.
Bên cạnh đó, trong quá trình quy hoạch chỉnh trang đô thị, những năm qua chúng ta đã di dời, chặt hạ số lượng cây không nhỏ (chưa kể số lượng lớn bị gãy đổ do bão); trong đó có hơn 2.000 cây cổ thụ, tiêu biểu như hàng xà cừ cổ thụ ven trục đường Lê Duẩn…
Thành phố đã và đang quyết liệt đẩy mạnh tốc độ trồng cây xanh trên các trục đường phố, nhưng thực trạng cho thấy, việc làm này vẫn còn nhiều bất cập, cụ thể như chưa có quy hoạch hợp lý nên tiến hành trồng cây trên vỉa hè nhưng bên dưới là cống thoát nước, là cáp ngầm; phía trên là đường dây điện, làm cây khó phát triển… Chọn giống cây chưa phù hợp như trồng hoa sữa dày đặc ở một tuyến đường dẫn đến mùi nồng nặc vào thời điểm cây sữa trổ hoa (vấn đề này đã có nhiều cố gắng khắc phục). Chưa nói đến chúng ta chủ trương trồng ở mỗi tuyến đường một chủng loại cây cụ thể, nhưng có nơi tâm lý một số hộ dân không thích loại cây ấy trước nhà nên họ tự tiện thay cây khác… Hơn nữa, chúng ta chưa kết hợp được việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh - nhiệm vụ này dường như khoán trắng cho cơ quan môi trường đô thị, công ty cây xanh… nên chưa phát huy được trách nhiệm cộng đồng, nhất là các hộ dân, các cơ quan, công sở ở mặt tiền đường phố. Điều quan trọng là chưa quyết liệt trong việc xử phạt những người phá hoại cây xanh.
Gần đây, chia sẻ với chúng tôi về vấn đề cây xanh đô thị, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An nói: “Khi leo lên tầng trên cùng của khách sạn Hoàng Anh Gia Lai thì thấy Đà Nẵng mình thiếu cây xanh trầm trọng quá, nhất là thiếu những mảng, những vệt cây xanh cần thiết để tăng cường cảnh quan đô thị và suy cho cùng cũng để phục vụ cho đời sống của nhân dân”. Rất nhiều người Đà Nẵng có cùng tâm sự như ông Nguyễn Đình An..
Giải pháp
Chúng ta thường nghe các khái niệm xã hội hóa giáo dục, xã hội hóa y tế, xã hội hóa thể dục-thể thao. Nay chúng ta bàn về xã hội hóa việc trồng cây xanh thành phố. Xã hội hóa trong việc trồng cây xanh đô thị cần bảo đảm các yếu tố: Nhà nước phải có trách nhiệm rất lớn, nếu không nói là chủ đạo trong việc trồng cây xanh đô thị, vì tự người dân không thể quy hoạch để có đất trồng, nhân dân không thể đề ra quy định có tính pháp lý (thể chế); không thể có chính sách khen thưởng hoặc biện pháp chế tài và cũng không có điều kiện để chọn giống cây và áp dụng các biện pháp kỹ thuật… Tất nhiên vai trò tham gia của nhân dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần thành công của chủ trương trồng cây xanh đô thị này.
Vấn đề cốt lõi để bảo đảm tính khả thi là phải đưa chủ trương trồng cây xanh thành một hoạt động sản xuất, kinh doanh hấp dẫn, mà ở đó lợi ích của Nhà nước, của cộng đồng và của người dân phải bảo đảm sự thiết thực, hài hòa. Đã qua rồi kiểu hô hào, phát động phong trào một cách ồ ạt để rồi dẫn đến tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, “cha chung không ai khóc”…
Có thể thực hiện một số giải pháp sau:
Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các phương thức cổ động trực quan, thông qua kênh Mặt trận và các đoàn thể… để đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc trồng cây xanh, lợi ích của cây xanh không chỉ góp phần thực hiện chủ trương xây dựng thành phố môi trường, không chỉ làm cảnh quan đô thị càng đẹp thêm lên mà chính là vì cuộc sống thiết thực, sát sườn của mỗi gia đình, mỗi người dân. Con người cần có không khí trong lành để thở, chính cây xanh góp phần to lớn để tạo ra không khí trong lành ấy.
Cần làm cho từng hộ gia đình, đường phố và toàn xã hội hưởng ứng phong trào trồng cây xanh, hễ có một khoảng diện tích nào có thể tận dụng được thì ở đó có màu xanh. Cụ thể, các hộ dân trong phố cần tận dụng các ban công, sân thượng để trồng rau gia vị, cây thuốc nam, cây cảnh… Điều này sẽ giúp thỏa mãn thú vui thưởng ngoạn, vừa có lợi ích vật chất như tiêu thụ, thậm chí bán ra thị trường…
Đối với các dự án, các công trình trong thành phố, phải thực hiện cam kết và có chế tài cụ thể với các chủ sở hữu về việc dành đất để trồng cây xanh. Ví dụ như khi xây dựng các công trình thì phải dành 2/3 hoặc 1/4 diện tích để trồng cây xanh, chứ không phải bất cứ chỗ nào cũng bê-tông hóa…
Ở các trục đường cần quy hoạch vị trí trồng, cây giống… sao cho phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của Đà Nẵng. Theo chúng tôi, có thể mạnh dạn cho đấu thầu việc trồng cây ở các trục đường, vành đai sông, biển và ở các khu đất đã quy hoạch để trồng cây xanh… Nhà nước cần hỗ trợ cho họ về vốn, cây giống, kỹ thuật; khi khai thác (chủ yếu là các vùng trồng cây tập trung) thì tính tỷ lệ ăn chia giữa Nhà nước và nhà thầu.
Đối với các công viên, cụ thể như Công viên 29-3, Công viên Thanh niên xây dựng ở phường Khuê Trung - Hải Châu, các vườn hoa, các vùng trồng cây tập trung trong nội hoặc ngoại thành…, chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức cho các vị lãnh đạo, khách quốc tế và trong nước, các nhà văn hóa, văn nghệ sĩ, doanh nhân, đôi nam nữ khi cưới nhau… đến những vị trí đó để trồng cây lưu niệm và có thể gắn tên mình trên cây ấy.
Đặc biệt, gần đây, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện các mô hình cần được quan tâm: nhân dân tự đóng góp xây dựng các khoảng xanh tại khu dân cư. Chúng tôi đã trực tiếp khảo sát thực tế các mô hình này tại tổ 117 phường Chính Gián (quận Thanh Khê), tổ 48 phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu)... Nơi đây nhân dân tự trồng cây xanh, tự làm vệ sinh, tự trang bị các phương tiện tập luyện... Đó là các khoảng xanh lý tưởng cần được hỗ trợ và nhân rộng.
Hy vọng sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành sẽ được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, để từ đó mục tiêu xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường sớm trở thành hiện thực.
NGUYỄN ĐĂNG HẢI