Môi trường

Giải pháp nào cho thùng rác?

07:50, 10/04/2015 (GMT+7)

Lâu nay, tình trạng thùng rác nhếch nhác trên các tuyến đường trung tâm thành phố Đà Nẵng trông rất phản cảm và làm mất mỹ quan đô thị. Trong “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, vấn đề này lại “nóng” hơn bao giờ hết.

Người nhặt phế liệu đến bươi, móc rác tại điểm tập kết rác đường Hàm Nghi.
Người nhặt phế liệu đến bươi, móc rác tại điểm tập kết rác đường Hàm Nghi.

Nhếch nhác

Sau 3 tháng triển khai “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, nhiều vấn đề được “nhận diện”, trong đó có việc đặt những thùng rác gây mất mỹ quan đô thị. Bằng chứng là dạo quanh các tuyến đường có đặt thùng rác, dễ dàng nhận thấy hình ảnh rác chất đầy thùng, vương vãi ra ngoài…

Nếu thùng rác được đặt ngay trước nhà dân thì bị phản ứng nên hầu hết được bố trí bên hông các khu vực công cộng: bệnh viện, xí nghiệp, cơ quan, trường học, sân vận động, cột điện… Nhưng tại những nơi này, người ta tha hồ vứt rác vì chẳng đụng chạm ai.

Khá bức xúc về tình trạng nói trên, tại buổi làm việc với tổ liên ngành 43 sau 2 tháng thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” diễn ra vào ngày 4-3 vừa qua, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Trần Thọ lên tiếng: “Tại vỉa hè đường Ngô Gia Tự, thùng rác nhếch nhác. Ai đổ rác ở đây? Nhân viên môi trường làm sạch môi trường, chứ không phải làm sạch chỗ này mang đi đổ chỗ khác. Rác vung vãi ngay đường Núi Thành (đối diện UBND phường Hòa Cường Bắc), chủ tịch phường ở đâu mà không xử lý? Rác đổ trước hiên nhà anh, anh có ra la không? Thế nhưng, đổ trước trụ sở Ủy ban phường mà anh làm thinh? Rồi đường Hàm Nghi, thùng rác đặt ở đó vừa hôi hám, vừa nhớp. Thế thì nói “Năm văn hóa, văn minh đô thị” cái chi?”.

Giải thích điều này, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho rằng, tìm địa điểm để tập kết rác thải sinh hoạt sau khi tiến hành thu gom rất khó. Đặt trong khu dân cư thì không được, đem ra ở những khu đất trống thì tìm không có nơi nào. Đường Hàm Nghi trở thành điểm tập kết rác lâu nay nhưng chưa tìm ra hướng xử lý.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, một trong những lý do làm thùng rác trở nên phản cảm đó là ý thức của người dân. Nhiều người đi đường, đang cầm bịch nước vừa uống xong, tiện tay ném vào thùng rác, chẳng cần biết nó có vào trong thùng hay không. “Nhiều người mang đủ thứ đồ vứt đi trong nhà ra bỏ vào thùng rác mà không bỏ vào bao cho gọn gàng, bỏ bừa ra đất. Nhưng cũng phải nói rằng, thùng rác quá dơ bẩn. Vì thế, nhiều người không dám đến gần, không mở nắp bỏ vào, mà đặt ngoài thùng rác. Lại thêm mấy người nhặt phế liệu đến bươi, móc rác trong thùng lên rồi không đậy nắp, để vương vãi xung quanh, rất bẩn và hôi hám”, bà Lê Bảy, một hộ dân trên đường Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu) phản ánh.

Tìm giải pháp

Cũng tại buổi làm việc với Tổ liên ngành 43 ngày 4-3, ông Nguyễn Điểu cho biết, thời gian tới sẽ thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp như: bảo đảm thu gom, vận chuyển rác trên đường phố sạch sẽ, tiến đến thu gom rác vào ban đêm… “Rất cần ý thức của người dân trong việc đặt, đổ rác thì mới mong hiệu quả”, ông Nguyễn Điểu nói.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, thay đổi một thói quen, ý thức của mỗi người dân trong từng hành vi ứng xử là cả quá trình lâu dài, có cái cần đến luật pháp, nhưng có cái cần đến việc giáo dục. Vì thế, nếu làm theo kiểu “hành chính”, không nhiệt tình, không sáng tạo cách làm thì khó có kết quả.

“Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu thử đặt hàng sản xuất bao nilon, phát miễn phí cho người dân (mỗi hộ gia đình phát 365 bao/năm). Trên mỗi bao, in sẵn dòng chữ phân loại rác thải, hình ảnh hướng dẫn và khẩu hiệu “Vì thành phố môi trường” hoặc in “Văn hóa, văn minh đô thị”.

Mỗi ngày thu gom bao, giặt giũ sạch sẽ rồi phát lại cho người dân. Việc làm này tạo điều kiện để người dân phát huy sự tự giác của mình. Thành phố không tiếc tiền để làm sạch, đẹp môi trường nếu điều đó mang lại hiệu quả”, ông Huỳnh Đức Thơ nêu giải pháp.

Chủ tịch UBND thành phố cũng giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tìm ra giải pháp cho vấn đề tập kết rác thải, không làm theo kiểu đối phó, cần thiết cho thêm vài công ty nữa hoạt động trong lĩnh vực xử lý môi trường chứ không để mỗi Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng hoạt động, vậy mới tăng tính cạnh tranh, hiệu quả.

Nhiều ý kiến khác cho rằng giải pháp hữu hiệu cho vấn đề rác thải sinh hoạt là sự tổng hòa của nhiều yếu tố cấu thành: ý thức của chính người dân, nỗ lực của mỗi nhân viên làm công tác vệ sinh môi trường (kể cả việc giữ thùng rác sạch sẽ), sự quyết liệt của các cấp chính quyền… Năm 2015 được xem là sự khởi đầu việc xây dựng văn hóa, văn minh đô thị của thành phố Đà Nẵng và là cơ hội để mỗi người cùng điều chỉnh hành vi, chung tay xây dựng thành phố đáng sống.

Quận Hải Châu sẽ xử phạt nặng nếu để thùng rác gây ô nhiễm

UBND quận Hải Châu đã có kế hoạch chấn chỉnh và xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị liên quan đến các vị trí đặt thùng rác và hành vi tập kết rác dưới các gốc cây bên đường phố.

Theo đó, đến hết tháng 3-2015, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận cùng các đơn vị hữu quan kiểm tra, thống nhất quy hoạch tất cả các điểm đặt thùng rác, xây dựng sơ đồ vị trí đặt thùng, số lượng thùng đặt phù hợp, bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường và an toàn giao thông. Không đặt thùng rác trước mặt tiền trường học, cơ sở tôn giáo và trụ sở các cơ quan.

Chấn chỉnh tình trạng đặt thùng rác dưới lòng đường; sắp xếp gọn gàng thùng rác, bao rác trong khi chờ xe đến thu gom. Giám sát, chấn chỉnh việc thu gom rác theo giờ tại các tuyến đường chính của quận và trên địa bàn 5 phường triển khai thí điểm. UBND các phường tuyên truyền, vận động nhân dân đổ rác đúng giờ quy định.

Đến tháng 4-2015, tình trạng trên phải được giải quyết dứt điểm. Nếu phát hiện trường hợp đặt thùng rác không đúng vị trí và gây ô nhiễm môi trường thì xử phạt nặng các cá nhân và đơn vị thành viên liên quan của Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.