Môi trường

Phối hợp hành động bảo vệ loài tê tê trên toàn cầu

08:08, 25/06/2015 (GMT+7)

Từ ngày 24 đến 26-6, tại thành phố Đà Nẵng, các phái đoàn của 29 quốc gia trên thế giới dự Hội nghị các nước có tê tê phân bố lần thứ nhất. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Claire Piernangelo và Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đồng chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, các cơ quan chính phủ quản lý động vật hoang dã, các tổ chức phi chính phủ và các chuyên gia về tê tê đã phân tích, đánh giá làm rõ hiện trạng quần thể tê tê tại các nước, vấn nạn săn bắt, buôn bán loài động vật quý hiếm này; đồng thời đề ra kế hoạch phối hợp hành động nhằm bảo vệ hiệu quả loài tê tê trên toàn cầu.

 Với 57.000 ha rừng, thành phố Đà Nẵng hiện có khoảng 300 loài động vật hoang dã sinh sống, trong đó có loài đặc biệt quý hiếm có trong sách đỏ thế giới đó là voọc chà vá chân nâu.

Tê tê hầu như cánh rừng nào cũng có với số lượng không nhỏ. Mặc dù chính quyền các địa phương có rừng và cơ quan chức năng triển khai quyết liệt các biện pháp bảo vệ, nhưng các năm qua, tình trạng săn bắt động vật hoang dã trên địa bàn vẫn diễn ra hết sức phức tạp.

Những năm gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 200 vụ săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã, trong đó có khoảng 100 con tê tê. Các cá thể động vật hoang dã khi phát hiện, bắt giữ, tịch thu còn sống đều được thả về môi trường tự nhiên.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết nhấn mạnh: Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng trong việc bảo tồn các loài động vật hoang dã, từ lâu thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ. Nhờ vậy, tình trạng săn bắt động vật hoang dã, trong đó có tê tê đã hạn chế ở mức thấp nhất.

Hội nghị quốc tế về phối hợp hành động bảo vệ tê tê tổ chức tại Đà Nẵng là dịp để mọi cơ quan, đơn vị, mọi người dân trên địa bàn thành phố nêu cao vai trò trách nhiệm trong việc bảo tồn loài động vật có giá trị này. Bên cạnh nỗ lực của địa phương, thành phố rất cần sự phối hợp và tạo điều kiện về mọi mặt của các tổ chức phi chính phủ và đặc biệt là Cơ quan khoa học các quốc gia thành viên Công ước quốc tế CITES.  

Tê tê là loài động vật có vú, có vảy, kích thước nhỏ đến vừa, con lớn nhất cỡ trên dưới 20 kg. Đây là loài vật ăn kiến, mối... thường kiếm ăn về ban đêm, có nhiều nhất tại 17 nước châu Á (trong đó có Việt Nam) và 31 nước châu Phi. Hiện tại loài vật này đang bị săn bắt và buôn bán trái phép trên phạm vi toàn cầu và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Mục đích của việc săn bắt là lấy vảy, da và thịt tê tê, do các sản phẩm này là dược liệu quý. Mặc dù hoạt động săn bắt, buôn bán tê tê bị nghiêm cấm trên phạm vi toàn cầu, song tình trạng săn bắt tại hầu hết các quốc gia có loài vật này sinh sống không hề giảm, trái lại đang gia tăng đáng báo động.

Nguyễn Cầu

.