.

Đà Nẵng - điểm sáng về bảo vệ môi trường

.

Tại lễ tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2015 được tổ chức đầu tháng 10 vừa qua, Đà Nẵng được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường.

Lực lượng vũ trang tham gia dọn vệ sinh tại bãi biển du lịch Đà Nẵng.
Lực lượng vũ trang tham gia dọn vệ sinh tại bãi biển du lịch Đà Nẵng.

Có được kết quả này, theo ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, đó là sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân thành phố trong công tác bảo vệ môi trường, phấn đấu xây dựng “Đà Nẵng - Thành phố môi trường” đến năm 2020. Ông Nguyễn Điểu cho biết:

Đã có thời kỳ ô nhiễm do nước thải là vấn đề lớn đối với Đà Nẵng, nhưng đến nay Đà Nẵng đầu tư 4 trạm xử lý nước thải sinh hoạt với tổng công suất gần 150.000m3/ngày đêm; 5 trạm xử lý nước thải công nghiệp, tổng công suất gần 12.000m3/ngày đêm, tỷ lệ đấu nối đạt 98%, chất lượng xử lý sau hệ thống cơ bản đáp ứng theo tiêu chuẩn môi trường Việt Nam, đã cắt giảm được hàng chục nghìn m3/ngày thải trực tiếp ra môi trường so với trước. Về chất thải rắn, thu gom rác sinh hoạt đạt trên 95%, được đánh giá là một trong những địa phương sạch nhất của cả nước.

Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, thành phố chuyển đổi phương thức “thu gom rác thải theo giờ” để giảm tối đa sự hiện diện của thùng rác trên đường phố, khu dân cư. Để tăng tỷ lệ thu gom tái chế, tái sử dụng, giảm chôn lấp đối với rác thải, thành phố đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xử lý chất thải theo công nghệ không chôn lấp, đồng thời chủ trương triển khai phân loại rác tại nguồn theo xu hướng của thế giới. Thời gian tới, tiếp tục tạo cơ hội cho xã hội hóa và đấu thầu công tác đặt hàng vệ sinh, thu gom, vận chuyển rác thải nhằm tránh tình trạng độc quyền.

Song song với công tác xử lý nước thải, thu gom rác, hiện nay, bằng nhiều giải pháp quyết liệt, chất lượng môi trường không khí được kiểm soát tốt. Từ năm 2010, thành phố đã không cho phép đầu tư một số ngành sản xuất công nghiệp thuộc danh mục 19 ngành không được phép hoạt động trong khu dân cư; hoàn tất xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; từng bước phát triển vận tải công cộng; chuyển đổi thí điểm sử dụng nhiên liệu sạch trong hoạt động giao thông, mảng xanh đô thị được chú trọng, diện tích cây xanh bình quân đạt 6,2m2/người…

Gần đây, thành phố tập trung quan tâm đến môi trường đất, vệ sinh đô thị. Để quản lý môi trường tại 2.000 khu, lô đất trống có ô nhiễm hoặc mất vệ sinh trong điều kiện thiếu nhiều yếu tố pháp lý, quy định, được sự chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND thành phố đã giúp các ngành, địa phương vào cuộc bằng các giải pháp hết sức cụ thể như tuyên truyền, thông báo, hướng dẫn đối tượng, hình thành đường dây nóng cấp phường, ra quân hưởng ứng phong trào Ngày chủ nhật “xanh - sạch - đẹp”…

* Có được thành quả đó, ông cho biết những bài học, kinh nghiệm của Đà Nẵng trong thời gian qua?

- Đó chính là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, định hướng thực thi công tác bảo vệ môi trường toàn thành phố. Điều này thể hiện qua ý chí quyết tâm, sự truyền cảm hứng để tìm kiếm những giải pháp phù hợp nhằm xây dựng một thành phố thân thiện môi trường; nhiều dự án lớn nhưng có nguy cơ tiềm ẩn về ô nhiễm môi trường đã được cân nhắc và từ chối việc đầu tư; nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng môi trường cũng được chú trọng, ngân sách sự nghiệp tăng lên theo sự tăng trưởng kinh tế của thành phố. Năm 2008, thành phố xác định “Xử lý điểm nóng môi trường” là vấn đề ưu tiên và sau 7 năm đã có 13/15 điểm nóng xử lý triệt để, có 2 điểm nóng phức tạp đang nỗ lực thực hiện.

Với phương châm “lấy phòng ngừa là chính”, song hành với việc xử lý điểm nóng đã được xác định, thành phố tập trung rà soát, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thông qua cơ quan chuyên ngành, giám sát HĐND và phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp để ngăn ngừa phát sinh ô nhiễm mới và tái ô nhiễm. Các sở, ngành, địa phương áp dụng nhiều công cụ quản lý đồng thời để giải quyết các vấn đề môi trường, đó là bộ máy quản lý môi trường từ cấp thành phố đến phường, xã từng bước được củng cố và tăng cường; thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xả thải…

Một yếu tố nữa là sự đóng góp rất lớn của người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Trước đây, mọi người nghĩ rằng chỉ chăm lo môi trường trong ngôi nhà của mình, giờ đây, quan điểm ấy đã hoàn toàn thay đổi. Họ lo lắng cho những gì xung quanh, không thờ ơ với những hành vi sai phạm, khơi gợi cho những người bên cạnh mình cùng hành động để góp sức bảo vệ môi trường, phản biện xã hội trực diện hơn… Chính sự đồng thuận của người dân là động lực mạnh mẽ cho nhiều thành phần, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường...

Với những kết quả nổi bật trong công tác bảo vệ môi trường, từ năm 2011 đến nay Đà Nẵng nhận được nhiều giải thưởng quan trọng: Giải thưởng Thành phố bền vững về môi trường Asean (năm 2011); Tổ chức APEC ghi nhận là Thành phố phát thải carbon thấp (năm 2012); Tổ chức Định cư con người Liên Hiệp Quốc tại châu Á (UN Habitat châu Á) bình chọn Giải thưởng Phong cảnh thành phố châu Á (năm 2013); Hiêp hội các đô thị Việt Nam bình chọn là Đô thị xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp (năm 2013); năm 2014, được Quỹ Rockefeller (Hoa Kỳ) công bố Đà Nẵng trở thành thành viên của “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu”; năm 2015, được ghi nhận là “Thành phố xuất sắc trong chuyển đổi” và được Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam.

NGỌC PHÚ thực hiện

;
.
.
.
.
.