Trong cuộc họp ngày 9-4 vừa qua, HĐND thành phố Đà Nẵng đã thống nhất điều chỉnh chính sách hỗ trợ giảm 35% giá trị nợ đất quy ra vàng cho người dân trong diện di dời giải tỏa (DDGT). Chủ trương này chưa có quyết định chính thức bằng văn bản, nên hiện nay Ban quản lý các dự án vẫn áp dụng chính sách cũ giảm 30%.
Nhà cửa dân nghèo khang trang hẳn lên nhưng họ lại đối mặt với việc nợ tiền đất phải trả theo vàng. |
Năm 1997, Đà Nẵng bắt đầu sôi động với việc đền bù giải tỏa, tái định cư. Đến nay, sau hơn 10 năm toàn thành phố có trên 72 nghìn hộ dân phải di dời và dự án đưòng Bạch Đằng Đông là một điển hình. Hàng nghìn hộ nghèo ở bờ Đông sông Hàn giải tỏa về tập trung tại khu dân cư An Mỹ, An Trung (phường An Hải Tây), An cư 1(phường Phước Mỹ), các khu tái định cư ở phường An Hải Bắc…
Từ năm 1997, thành phố đã có chủ trương cho nợ tiền đất 100% trong thời hạn 5 năm, sau đó, gia hạn thành 10 năm. Riêng Ban quản lý Dự án đường Bạch Đằng Đông (BQL DAĐBĐĐ) đã có 3.167 hộ nợ tiền sử dụng đất với số tiền 169,3 tỷ đồng, quy ra vàng là 231.908 chỉ. Tính đến nay, đã có 1.276 hộ trả nợ dứt điểm 95,4 tỷ đồng, quy ra vàng là 92.307 chỉ. Số còn nợ là 1.890 hộ với số tiền 93,9 tỷ đồng, quy ra vàng là 139.600 chỉ. Đặc biệt, năm 2007 có 200 hộ đã trả xong nợ và đó là thời điểm người dân tập trung trả nợ tiền đất nhiều nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Ông Trương Đình Thiên, Phó BQL DAĐBĐĐ phân tích: “Năm 2007, giá vàng lên cao quá nên nhiều người đã tích cóp, vay mượn thêm để trả nợ. Bên cạnh đó, giá đất biến động dữ dội khiến tình hình chuyển nhượng đất đai diễn ra rầm rộ nên việc trả nợ đã tăng đột biến”. Khi giải tỏa, nhiều hộ dân đựợc đền bù 100 triệu đồng, hầu hết đã mua lại nhà trên những trục đường lớn như Ngô Quyền, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Công Trứ..., những hộ dân còn lại phải nợ tiền đất đều là những hộ nghèo, ngay cả việc làm một căn nhà cấp 4 sau giải tỏa họ cũng phải vay mượn thêm mới đủ tiền xây dựng.
Trả nợ theo vàng: Quá khó với người nghèo
Việc quy ra vàng để tính tiền nợ đất theo quy định của UBND thành phố Đà Nẵng nhằm bảo toàn vốn cho các dự án. Thực tế, khi quy ra vàng, ngay cả những người ban hành chủ trương cũng không ai nghĩ vàng leo đến mức giá như hiện nay.
Ý thức việc trả nợ, nhưng để nuôi ăn 11 nhân khẩu, việc trả nợ gần như không thể với hoàn cảnh gia đình ông Đây. |
Phường An Hải Tây có 2.248 hộ, trong đó có 161 hộ nghèo và 95% người dân sinh sống bằng nghề biển. Năm 2003, bình quân phí tổn cho một chiếc tàu 45CV xuất bến là 20 triệu đồng, năm 2005 là 35 triệu đồng và năm 2008, giá nhiên liệu và trượt giá đã đưa chi phí lên đến 60-65 triệu đồng, trong khi tổng doanh thu của một chiếc tàu chỉ tròm trèm 70 triệu đồng. Lỗ đậm, chủ tàu phải nằm bờ. Một tàu cá kéo theo hàng chục lao động trên bờ, tàu nằm bến nghĩa là ngần ấy lao động cũng thất nghiệp theo.
Ông Ngô Sỹ Kiến Trúc, Phó Chủ tịch phường An Hải Tây cho biết: “Dân biển đa số con đông, trình độ văn hóa, nhận thức xã hội hạn chế nên họ cứ luẩn quẩn với đói nghèo. Là một phường nằm ngay trung tâm nhưng năm nào thành phố cũng phải hỗ trợ từ 17-20 tấn gạo cho người dân ăn Tết. Kiếm cái ăn còn khó, huống hồ trả nợ. Đó là một vấn đề nan giải, một bài toán khó với lãnh đạo phường”.
Tổ 27 An Trung 2 (An Hải Tây) có 71 hộ và hầu như nhà nào cũng nợ tiền đất. Ông Nguyễn Đây (sinh 1956) có đến 9 người con, đứa nhỏ nhất mới 10 tuổi. Chiều chiều, hai vợ chồng ông đẩy ghe bắt tôm, sáng sớm hôm sau về chợ Hàn bán và tiền bán tôm chỉ đủ lo cái ăn cho 11 người.
Người già cũng héo hon vì tiền nợ đất. |
Ông Đây ngần ngại nói: “Tôi còn nợ Nhà nước 18 triệu đồng khi vàng 460.000 đồng/chỉ. Bây giờ, vàng lên cao quá! Dù rất ý thức việc trả nợ, nhưng để kiếm tiền nuôi ăn 9 đứa con đã quá sức đối với vợ chồng tôi”. Không riêng gì hộ ông Nguyễn Đây, với ngư dân, hộ ít nhất cũng có 4-5 con, đó lại là đối tượng chính thiếu tiền nợ đất.
Nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp mà thành phố nên xem xét là lấy giá vàng ở một thời điểm có thể chấp nhận làm căn cứ để tính toán trả tiền. Nếu vẫn áp dụng giá vàng như hiện nay, e rằng chủ trương mới nào cũng khó khả thi. Có ý kiến lại đề xuất nên tính giá gốc khi ký hợp đồng để người dân trả tiền mà không quy bằng vàng. Trong vòng 10 năm, nếu trả không đủ, thành phố sẽ quy định một lãi suất phù hợp. Dĩ nhiên, phương án này chỉ áp dụng với những hộ đúng diện tái định cư.
Một lãnh đạo thành phố chia sẻ: “Trong bối cảnh tình hình lạm phát gia tăng ngày càng cao, vật giá leo thang theo từng ngày, dân bức xúc khi nợ tiền đất quy ra vàng và tâm tư của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng nặng trĩu lo âu. Đây là vấn đề quá nhạy cảm và lãnh đạo thành phố cũng sẽ tính toán một giải pháp để vừa bảo đảm ngân sách, vừa bảo đảm quyền lợi của người dân”. Khi tiền nợ đất không hoàn toàn căn cứ theo giá vàng, thành phố sẽ thất thu một khoản kinh phí khá lớn nhưng người dân - thực tế, dân nghèo chiếm số lượng quá đông - lại không thể trả nổi theo vàng.
Nợ đất bằng tiền hay bằng vàng? Đông đảo lòng dân vẫn mong chờ một giải pháp hợp tình, hợp lý từ chính quyền thành phố.
THU HÀ