.
SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP 6 THÁNG ĐẦU NĂM

Khó nhưng vẫn phát triển

.

Số liệu thống kê cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp (CN) của Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2008 ước đạt 5.059 tỷ đồng (theo giá cố định năm 1994), tăng 15,01% so với cùng kỳ năm 2007.

Tuy không tăng cao nhưng sự tăng trưởng này có ý nghĩa khi ngay từ đầu năm, các DN phải oằn mình chống chọi với sự tăng giá ồ ạt của hàng loạt vật tư chủ yếu như xăng dầu, sắt thép, xi-măng... Thêm vào đó là sự mất giá của đồng đôla Mỹ đã làm không ít các DN sản xuất hàng xuất khẩu chao đảo.

Phân xưởng sản xuất dây cáp của Công ty TNHH Tân Cường Thành hoạt động từ đầu năm 2008.

Tuy không tăng cao (8,1%) nhưng các DN Trung ương đóng trên địa bàn vẫn SXKD ổn định. Một số DN duy trì được tốc độ khá như Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ có hợp đồng sản xuất đến mùa vụ sau, Công ty CP Cao su Đà Nẵng tốc độ tăng trưởng đạt trên 20%... 6 tháng đầu năm, có 6 DN đã hoàn thành cổ phần hóa, trong đó có 3 DN địa phương là Công ty Kinh doanh chế biến hàng XNK Đà Nẵng, Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, Công ty Dệt-may 29-3...

Sau khi cổ phần hóa, các DN này đã tiếp tục ổn định sản xuất và cùng với CN dân doanh đưa giá trị sản xuất CN của thành phố tăng khá, ước đạt 27,2%. CN dân doanh có nhiều dự án CN lớn được đưa vào hoạt động, đạt mức tăng trưởng 61,72%, điển hình như Công ty Thép Thành Lợi đã đưa thêm phân xưởng mới vào hoạt động với sản lượng hằng năm 150.000 tấn, một nhà máy mới chuyên sản xuất dây và cáp điện của Công ty TNHH Tân Cường Thành (thành phố Hồ Chí Minh) với sản lượng hàng chục ngàn tấn một năm... Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng có tốc độ tăng trưởng khá khi các DN đi vào sản xuất từ năm 2007 đã ổn định, sản lượng tăng mạnh, thu hút ngày càng nhiều lao động như Công ty Daiwa, Mabuchi motor, Công ty Điện tử Việt Hoa... Giá trị CN của các DN thuộc khu vực này 6 tháng đầu năm 2008 ước đạt 927,2 tỷ đồng, tăng 14,9% so với năm 2007.

Nhiều ngành CN trong nước tăng khá như CN khai thác tăng 21,3%, CN thực phẩm tăng 22,9%, sản xuất trang phục tăng 22,5%, xi-măng tăng 39,9%, sản xuất kim loại (thép xây dựng) tăng 25,6% , thiết bị điện tăng 228,6%, sản xuất xe có động cơ (ô-tô và xe mô-tô) tăng 33,3%. Tuy nhiên, có một số ngành tăng trưởng thấp hoặc sản lượng giảm do khó khăn về nguyên liệu như chế biến hải sản. Ngoài ra, lãi suất ngân hàng tăng cũng gây ra không ít khó khăn cho các DN mà vốn lưu động chủ yếu là vốn vay ngân hàng. Ngành chế biến hải sản và thủy sản chỉ tăng 2,23% so với cùng kỳ do nhiều ngư dân không đủ tiền mua nhiên liệu ra khơi vì giá xăng dầu tăng cao.

Việc ngành CN vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm đầy biến động là nỗ lực rất lớn của các DN. Tuy nhiên, sự biến động của nguyên liệu, nhiên liệu và sự mất giá của đông đôla Mỹ như vừa qua cũng là bài học cho các DN khi xây dựng kế hoạch SXKD. Những rủi ro này không được báo trước, song ngay từ khi ký hợp đồng với các đối tác, các DN phải hết sức cẩn trọng và phải có các điều khoản với các đối tác khi có những biến động lớn trên thị trường và cùng tham gia giải quyết trên cơ sở tôn trọng và giữ được chữ tín đối với đối tác.

Mặt khác, để hỗ trợ cho các DN, các thành phần kinh tế ổn định và phát triển sản xuất, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho các DN tiếp xúc với các nhà đầu tư, các thị trường mới. Đặc biệt là việc hỗ trợ cho các DN tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư, hoặc hỗ trợ về lãi suất khi đầu tư mới... đồng thời khuyến khích các DN chủ động vượt qua khó khăn, phát huy hết công suất thiết bị, mở rộng sản xuất, nâng cao sản lượng...
 
Đối với các DN FDI, phải tạo điều kiện để DN đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án, sớm đưa vào hoạt động. Các DN địa phương, DN đã cổ phần hóa phải tăng cường hợp lý hóa sản xuất, đẩy mạnh các chương trình, biện pháp tiết kiệm điện, tiết kiệm nguyên vật liệu để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh. Tư vấn cho các DN lập các dự án đầu tư hiệu quả như lựa chọn công nghệ, lựa chọn ngoại tệ thanh toán đề phòng rủi ro...

Bài và ảnh: Đức Thịnh

;
.
.
.
.
.