.

Doanh nghiệp vẫn còn... ngại Hải quan

.

(ĐNĐT) - Doanh nghiệp và hải quan vẫn còn khoảng cách, doanh nghiệp vẫn còn... ngại hải quan, mặc dù ngành hải quan khẳng định sẽ lắng nghe, sẵn sàng hợp tác để tháo gỡ vướng mắc. Đó là những vấn đề đáng quan tâm tại cuộc đối thoại giữa Hải quan Đà Nẵng và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ngày 19-9.
 

Đại diện Công ty Mabuchi Motor nêu thắc mắc về thủ tục hải quan tại buổi đối thoại.

 Doanh nghiệp dè dặt

Mở đầu cuộc đối thoại, ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc Chi nhánh Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng - đơn vị phối hợp với Cục Hải quan Đà Nẵng tổ chức - công bố một vài số liệu điều tra mà tổ chức này thực hiện thời gian qua, cho thấy thái độ sẵn sàng đối thoại hay không của các DN. Ông Diễn cho biết đã gửi đến các DN trên địa bàn hơn 302 phiếu điều tra đánh giá hoạt động hải quan, các kiến nghị chấn chỉnh cần thiết. Việc này đã thống nhất giữa VCCI và Hải quan Đà Nẵng nhằm tìm kiếm ra những con số đối chứng thực tế. Song, kết quả “hơi đáng buồn”. Chỉ có 12 phiếu được DN trả lời và gửi lại, sau đó qua vận động gặp gỡ, hỏi thêm, VCCI mới thu được 35 phiếu, trong đó có 15% là số DN có hoạt động xuất khẩu trực tiếp.

Con số này cho thấy, các DN ở nhiều hoàn cảnh có thể lên tiếng đánh giá về hoạt động hải quan, song khi cần đối thoại nghiêm túc thì… lại dè dặt. Ông Diễn nhìn nhận, có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, DN ngại góp ý vì sợ bị ảnh hưởng về sau. Thứ hai, DN cho rằng quan hệ giữa họ và hải quan đến nay đã khá hơn, không nên góp ý nữa. Thứ ba, các DN từ chối trả lời vì không tin việc điều tra thăm dò sẽ mang lại thay đổi trong hoạt động hải quan lâu nay.

Ông Nguyễn Tiến Thọ, Cục trưởng Hải quan Đà Nẵng, tỏ thái độ không đồng ý với các lựa chọn có tính thụ động như vậy của các DN. Theo ông, ai cũng biết là DN ngại và sợ cán bộ hải quan gây khó. Bản thân ông Thọ quá hiểu không dễ xóa dấu ấn “công quyền” mà nhiều cán bộ hải quan gây ra khi tiếp xúc DN. Nhưng chính vì vậy, ông mong các DN hãy thật sự mạnh dạn, cởi mở cùng lãnh đạo hải quan giải quyết vấn đề. Nếu các DN vẫn giữ khoảng cách phòng vệ và nhìn mọi chuyển biến thân thiện hơn từ hải quan chỉ là bề ngoài, thì mọi khoảng cách sẽ vẫn tồn tại.

Hải quan cầu thị

Vấn đề này được ông Thọ liên tục nhắc đến suốt thời gian đối thoại, kể cả khi trả lời chất vấn DN cũng như quay sang cật vấn các cán bộ hải quan. Tại sao DN sợ hải quan, bởi lẽ một bộ phận cán bộ hải quan làm họ sợ; nhưng sâu xa hơn, vì các DN chưa tin mình đúng, chưa thực hiện tốt các yêu cầu, thủ tục phải làm. Môi trường tương tác với hải quan hiện nay đã được mở rộng, từ khai báo điện tử từ xa, thanh khoản qua mạng, đến chỉnh sửa hồ sơ tờ khai, làm thuế trực tuyến. Các DN hôm nay có thể tự ngồi nhà kiểm tra luôn độ chính xác của mình khi làm thủ tục hải quan. “Cán bộ hải quan ngoài bộ phận kiểm hóa, gần như không còn gặp mặt DN nữa, thì tỷ lệ phiền nhiễu gây khó đã giảm nhiều. Vậy sao các DN vẫn chưa chủ động hơn để chung tay thay đổi tình hình tốt hơn ?”, ông Thọ thắc mắc như vậy.

Về phía lãnh đạo Hải quan Đà Nẵng, ông Thọ khẳng định đó là thái độ thật sự cầu thị, thật sự mong hợp tác với DN để cải thiện tình hình, cùng tạo môi trường thuận lợi, hiệu quả cho cả 2 bên,  trong đó, trách nhiệm nghiêm khắc đấu tranh với những hiện tượng cán bộ hải quan gây phiền hà sách nhiễu, trì trệ tốn kém cho DN là ưu tiên. Ông Thọ và các cán bộ lãnh đạo đều công khai số điện thoại cho DN, nối mạng trực tuyến với các đầu mối thông tin từ DN, sẵn sàng lắng nghe, kể cả chỉ trích. Bất kỳ thông tin nào cho thấy có cán bộ hải quan có vấn đề, ngay cả trình độ không bảo đảm, năng lực chưa tốt, lãnh đạo Hải quan Đà Nẵng cam kết sẽ kiểm tra, tiếp thu xử lý và phản hồi lập tức.

Theo ông Nguyễn Diễn, những bản trả lời điều tra của các DN cho thấy, chỉ mới có 43% cho rằng quy trình thủ tục hải quan Đà Nẵng tốt hơn trước, 46% cho rằng khâu kiểm hóa đã thuận lợi hơn, 48% đánh giá thái độ cán bộ hải quan đã cải thiện. Vậy là vẫn còn một phần không nhỏ DN chưa đồng ý với kết quả vận động chấn chỉnh công tác hải quan diễn ra trong 2 năm lại đây.

Vẫn còn nhiều góc khuất, chi tiết liên quan đến thực trạng còn nhiêu khê trong xử lý thủ tục hải quan chưa được các DN nêu lên. Vẫn còn những trường hợp tiêu cực cụ thể mà các DN chưa tự tin phản ảnh. “Chúng tôi nghĩ rằng các DN cần nhìn thấy sự quyết tâm của chúng tôi, để sớm mở lòng hợp tác, xóa bỏ triệt để những phần vướng mắc còn lại đó, vì phía Hải quan chúng tôi đã sẵn sàng”, ông Thọ khẳng định như vậy.

Thụy Bất Nhi

;
.
.
.
.
.