Quanh năm hoạt động trên biển, việc bảo đảm liên lạc thông suốt giữa đất liền và ngư dân là vấn đề sống còn. Việc trang bị các phương tiện liên lạc, cứu hộ, cứu nạn ở các tàu đánh bắt xa bờ sau một thời gian thiếu sự quản lý, bước đầu đã có những khởi sắc.
Những khởi đầu thuận lợi
Trong những chuyến khơi xa như thế này, việc giữ thông tin liên lạc thường xuyên với đất liền là vấn đề sống còn. |
Ông Phước đang cùng một số chủ tàu gấp rút làm những thủ tục cần thiết để thành lập tổ đánh bắt hải sản. Ông khoe, sau khi lập tổ, thành phố sẽ cấp cho tổ ông một máy ICOM M710 để bảo đảm liên lạc. Có thể nói, việc trang bị ICOM M710 đã giúp các tàu đánh bắt xa bờ “nối mạng” được với người thân và các cơ quan chức năng khi cần thiết.
Phường Xuân Hà hiện có 58 tàu đánh bắt xa bờ, tập hợp trong 9 tổ sản xuất, mỗi tổ từ 4-6 tàu. Khi tiến hành đánh bắt trên biển, các tàu cách nhau khoảng 20km. Ở cự ly đó, chủ tàu có thể dễ dàng thông tin cho nhau khi có bão và liên lạc về nhà khi có việc cần… Xoay quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Còn A, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Hà cho biết, ICOM M710 được xem là phương tiện liên lạc hiện đại nhất hiện nay, có đầy đủ tính năng của bộ đàm tầm xa, rađio, định vị, la bàn…
Theo Phòng Kinh tế quận Thanh Khê, đến tháng 8-2008, toàn quận có 179 tàu thuyền, trong đó tàu công suất 90CV trở lên có 96 chiếc, từ 40CV đến 90CV có 90 chiếc, còn lại là tàu có công suất dưới 40CV… Năm 2007, thành phố đã trang bị cho quận 26 máy thông tin liên lạc tầm xa ICOM M710.
Chị Nguyễn Thị Diệu Tuyền, chuyên viên thủy sản quận Thanh Khê cho biết, các thuyền trưởng phải báo cáo với tổ trưởng ít nhất 1 lần/ngày khi thời tiết bình thường, ít nhất 2 lần/ngày khi có áp thấp nhiệt đới hoặc có tin bão xa và ít nhất 3 lần/ngày khi có tin bão gần, bão đã vào biển Đông. Tổ trưởng thực hiện chế độ báo cáo ít nhất 3 lần trong ngày với Bộ đội Biên phòng thành phố về vị trí tàu, tình trạng tàu cá và số lượng lao động của tổ…
Một mô hình cần được nhân rộng
Kết nối thông tin với ngư dân là nhiệm vụ hằng ngày của các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng. |
Mặt khác, với tâm lý chủ quan, một số tàu không chuẩn bị các thiết bị an toàn như phao cứu sinh, bình chữa cháy… Hoặc do cạnh tranh, các tàu đánh bắt xa bờ giấu ngư trường đánh bắt và tần số liên lạc nên khi gặp nạn, các tàu không liên lạc được với nhau.
Những bất cập này đã phần nào được khắc phục sau khi thành phố cho thành lập các tổ đội khai thác hải sản. Đến nay, toàn thành phố đã có 89 tổ gồm 562 tàu cá. Trong đó có 46 tổ đánh bắt xa bờ gồm 208 tàu, 39 tổ tuyến lộng với 322 tàu, 4 tổ khai thác gần bờ có 32 tàu, hoạt động dưới sự quản lý thông tin của Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng. Qua đó, các thành viên trong tổ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về việc sử dụng đúng mục đích tần số thông tin liên lạc, an toàn cứu nạn, dự báo thời tiết, đồng thời bảo đảm khai thác có hiệu quả đồng bộ, không gây nhiễu lẫn nhau, tạo điều kiện cho nhau trong việc tìm kiếm ngư trường đánh bắt mới...
Theo Trung tá Trần Văn Đàn, Trưởng ban Thông tin-Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, hiện nay thành phố đã xây dựng được 5 đài thông tin, thường xuyên giữ liên lạc với ngư dân. Thông qua tình hình, lực lượng Biên phòng sẽ chỉ đạo các tổ, đội khi gặp sự cố. Thời gian gần đây, có khoảng 70% số vụ tai nạn đều do ngư dân trong tổ tự cứu nhau dưới sự chỉ đạo của Bộ đội Biên phòng, sau đó tàu cứu hộ trong đất liền mới ra ứng cứu.
SAR 412 được xem là chiếc tàu cứu nạn hiện đại nhất Việt Nam cho đến thời điểm này. |
Để hỗ trợ ngư dân, Trung tâm Tìm kiếm-cứu nạn khu vực II tại Đà Nẵng đảm nhiệm công tác vùng bờ biển miền Trung dài hơn 2.000km đường biển mà chỉ có 3 phương tiện tham gia cứu nạn đạt chuẩn quốc gia là các tàu SAR 2701, SAR 274, SAR 412 và một ca nô cao tốc nên công tác cứu nạn chưa thật sự bảo đảm. Tàu SAR 412 được coi là hiện đại nhất với đầy đủ các phương tiện cứu hộ tiên tiến theo tiêu chuẩn Hà Lan. Trên tàu có thiết bị vớt người trên biển, có phòng bệnh nhân, phòng mổ và các trang thiết bị y tế tương đối đầy đủ, bảo đảm sơ cứu ban đầu cho nạn nhân… Theo thống kê của ngành Thủy sản, tàu công suất 45CV trở lên chỉ có khoảng 63% có máy bộ đàm, 12,5% có máy thông tin liên lạc tầm xa, phần lớn tàu đánh cá có công suất nhỏ không bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc khi gặp sự cố trên biển. Hiện nay, tại Việt Nam có 13 đài thông tin duyên hải hoạt động dọc theo bờ biển Việt Nam từ Móng Cái đến Kiên Giang, chuyên cung cấp miễn phí các thông tin cấp cứu, khẩn cấp và an toàn hàng hải cho các tàu hoạt động trên vùng biển Việt Nam.
Theo những nhân viên tìm kiếm cứu nạn trên biển của tàu SAR 412, để bảo đảm tính mạng và sự an toàn, những ngư dân hoạt động trên biển cần nâng cao ý thức, trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của mình, không nên ỷ lại sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Có như vậy, công tác phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn trên biển mới thật sự hiệu quả, mang lại nguồn lợi lớn, giảm thiểu tính rủi ro cho những chuyến khơi xa khi mùa mưa bão đang đến gần.
Tiểu Yến