.

Cạnh tranh trong chuyển phát bưu chính

.

Lĩnh vực bưu chính đang đứng trước nhiều khó khăn bởi lao động dôi dư, giá dịch vụ thấp. Thế nhưng sự cạnh tranh trong lĩnh vực chuyển phát bưu chính cũng khá gay gắt khi có nhiều DN  tham gia.

Chuyển phát bưu chính đang bị cạnh tranh không lành mạnh.

Tại Đà Nẵng hiện có 274 điểm bưu điện với 55 bưu cục, 206 đại lý và 13 điểm Bưu điện-Văn hóa xã. Tính trung bình mỗi điểm bưu điện phục vụ khách hàng trong tầm bán kính hơn 1km, với năng lực phục vụ 2.992 người. So với cả nước, mật độ phục vụ khách hàng đạt bình quân ở mức cao. Với mạng lưới này, Bưu điện Đà Nẵng cung cấp nhiều dịch vụ bưu chính và cả dịch vụ tài chính. Mạng chuyển phát bưu chính của thành phố Đà Nẵng có đường thư cấp 1 đi 3 tuyến đến 9 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đường thư cấp 2 - 3 trong thành phố có 3 chuyến trong ngày và 8 đường thư chuyển phát nhanh.

Ngoài Bưu điện Đà Nẵng thực hiện dịch vụ chuyển phát bưu chính, ở Đà Nẵng còn có 60 DN ngoài quốc doanh kinh doanh các dịch vụ bưu chính, mạng vận chuyển và làm dịch vụ chuyển phát nhanh cho các DN nước ngoài. Như vậy, hoạt động của Bưu điện Việt Nam (VNPost) nói chung, Bưu điện Đà Nẵng nói riêng trở thành “đối thủ của mọi đối thủ”. Theo lãnh đạo VNPost, thời gian qua, VNPost bị cạnh tranh quyết liệt trên thị phần chuyển phát nhanh và kết quả SXKD đạt thấp. Nguyên nhân mà VNPost đưa ra là môi trường kinh doanh và đơn giá thực hiện từ năm 1999 đã quá lạc hậu.

Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) thành phố Đà Nẵng vừa tổ chức một đợt kiểm tra diện rộng hoạt động của các đại lý Bưu điện. Kết quả kiểm tra cho thấy, hầu hết các đại lý Bưu điện chỉ kinh doanh về điện thoại công cộng, số đại lý có doanh thu bưu chính chiếm khoảng 30% trong tổng số các đại lý (63/204). Tuy nhiên, chỉ có 10 đại lý có doanh thu về bưu phẩm, bưu kiện, chuyển phát nhanh, còn lại là doanh thu về tem thư, điều này cho thấy việc kinh doanh bưu chính của các đại lý hiện nay là rất khó khăn. Thu nhập chính của các đại lý hầu hết nhờ vào kinh doanh thêm các dịch vụ khác như bán simcard, thẻ cào, văn phòng phẩm, báo chí.

Chính vì những lý do trên mà khu vực miền Trung thời gian qua nổi lên như một điểm nóng về cạnh tranh dịch vụ chuyển phát. Trong tháng 8-2008, Thanh tra Bộ TT-TT vừa kết thúc đợt thanh tra về hoạt động chuyển phát bưu chính tại 3 địa phương là Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Ngãi, đã xử phạt hành chính đối với 5 DN. Cụ thể, phạt Công ty CP Thành Tín 9 triệu đồng vì tính giá cước sai so với giá do công ty ban hành và sử dụng cân đo đã quá thời hạn kiểm định.

Công ty CP Hợp Nhất miền Trung bị phạt 10 triệu đồng vì thu cước dịch vụ chuyển phát thư thấp hơn quy định trong giấy phép kinh doanh dịch vụ và thu cước sai so với bản cước công ty ban hành. Công ty TMCP chuyển phát nhanh EPS, Công ty CP chuyển phát nhanh T.I.M ( Đà Nẵng) và Công ty CP Thương mại và xuất nhập khẩu An Dương (Thừa Thiên- Huế), mỗi công ty bị  phạt 10 triệu đồng vì cung cấp dịch vụ chuyển phát không phép và yêu cầu dừng cung cấp dịch vụ.

Việc kiểm tra, ngăn chặn các vi phạm trong hoạt động dịch vụ chuyển phát bưu chính sẽ làm lành mạnh môi trường cạnh tranh. Tuy nhiên, về phía Bưu điện Đà Nẵng cũng đang có những động thái tích cực trong tổ chức và sắp xếp lại SXKD. VNpost cho hay, sắp tới Bưu điện Việt Nam sẽ cắt giảm 9 nghìn lao động và kiến nghị sửa đổi giá cước phù hợp với thực tế.

Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.