.
CÔNG TY SÔNG THU

Niềm tự hào của ngành đóng tàu Việt Nam

.

Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm trong một lần  đến thăm Công ty Sông Thu, khi tận mắt chứng kiến con tàu DST 4612 mang số hiệu CSB-9001, với công suất 3.500 mã lực lần đầu tiên được đóng thành công tại Việt Nam. Trên buồng chỉ huy tàu CBS-9001, ông nói với Trung tướng Nguyễn Đình Hậu, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP): “Tôi rất vui và tự hào trước thành quả ban đầu của Công ty Sông Thu, cũng là của ngành đóng tàu Việt Nam”.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm về thăm Công ty Sông Thu.

Từ cơ sở ban đầu là Tổ hợp tác Đồng Tiến, tháng 10-1976, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định thành lập Xí nghiệp Sửa chữa tàu biển và là tiền thân của Công ty Sông Thu ngày nay. Đến tháng 1-2004, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định điều chuyển Công ty Sông Thu về Tổng cục CNQP. Với quân số 750 người, trong đó 30% có trình độ kỹ sư, cao đẳng chuyên nghiệp, Công ty Sông Thu chuyên đóng mới, sửa chữa tàu biển cho hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, hải quan và các tàu tìm kiếm cứu nạn...

Hơn 30 năm qua, Công ty Sông Thu đã có sự tăng trưởng nhanh chóng và bền vững. Nếu như năm 2005, doanh thu đạt 90 tỷ đồng, năm 2006 tăng lên 160 tỷ, thì năm 2008 con số này đã đạt 680,3 tỷ đồng, tăng 65,5% so với năm 2007; thu nhập bình quân đầu người đạt 4,2 triệu đồng/tháng, tăng hơn 1,2 triệu so với năm trước. Công ty Sông Thu còn là đơn vị đầu tiên của cả nước và là đơn vị thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Singapore) lắp đặt thành công hệ thống nâng hạ tàu cơ điện hiện đại Rolls& Royce, tạo ra năng suất gấp 5-6 lần so với phương pháp đốc nổi truyền thống.

Là một đơn vị kinh tế trực thuộc Tổng cục CNQP, Công ty Sông Thu không chỉ là trung tâm đóng mới và sửa chữa tàu biển lớn của khu vực mà còn là đơn vị đầu tiên trong cả nước được Chính phủ giao nhiệm vụ thành lập Trung tâm Quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu trên biển và tham gia đóng tàu xuất khẩu cho châu Âu, với sự hợp tác công nghệ từ Tập đoàn Damen - Hà Lan.

Thành công nổi bật của Công ty Sông Thu là việc đóng mới 2 tàu cứu hộ biển lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, đó là chiếc CSB-9001 và CSB-9002. Đây là 2 chiếc tàu đặc chủng đầu tiên được đóng mới trong nước, trang bị cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam nhằm tăng cường khả năng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển. Tàu được thiết kế và thi công theo công nghệ hiện đại, với tính năng cơ động cao, tầm hoạt động lớn, và đặc biệt là không bị chìm trong điều kiện gió bão, có thể hoạt động trong mọi điều kiện cấp sóng và có thời gian hoạt động liên tục trên biển hơn 30 ngày.

Việc lựa chọn lĩnh vực đóng mới và sửa chữa các loại tàu đặc chủng như tàu cứu hộ, cứu nạn, tàu kéo biển, tàu tuần tra, tàu đa năng ứng phó sự cố tràn dầu, và các loại tàu phục vụ nghiên cứu khác… được xem là một chiến lược phát triển lâu dài và bền vững của Công ty Sông Thu. Đặc biệt là định hướng đưa sản phẩm vươn ra thị trường thế giới, nhất là thị trường châu Âu, đã khẳng định sự đầu tư đúng đắn có tính đột phá của Công ty Sông Thu trên bước đường hội nhập…

Để nâng cao năng lực đóng mới và sửa chữa các loại tàu, công ty đã không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, áp dụng các công nghệ mới tiên tiến, cả trong đóng tàu lẫn làm sạch tàu dầu siêu trọng. Đặc biệt, công ty đã đảm nhận thành công vai trò Trung tâm Quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu khi xử lý tốt các sự cố như: năm 2005 trung tâm đã kịp thời ứng cứu và xử lý thành công sự cố tàu dầu Aris (Thái Lan) tại vùng biển Quy Nhơn, sự cố tàu dầu Mỹ Đình bị chìm ở khu vực vùng biển Hải Phòng. Trong năm 2007, trung tâm đã phối hợp với các cơ quan và địa phương tham gia tích cực vào công tác khắc phục và xử lý sự cố tràn dầu ở các tỉnh duyên hải miền Trung. Mới đây là sự cố tràn dầu ở khu vực biển Liên Chiểu khi Kho xăng dầu Hàng không bị tràn ra biển.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Hà Sơn Hải, Giám đốc công ty cho biết: Sự ra đời và hoạt động có hiệu quả của loạt tàu cứu hộ 3.500 mã lực, đã minh chứng sự trưởng thành vượt bậc của công ty chúng tôi trong thời gian qua. Với kết quả khả quan trong quá trình tiếp thu công nghệ đóng tàu tiên tiến từ Tập đoàn Damen, cộng với việc đầu tư có trọng điểm nhằm gia tăng năng lực đóng mới cho nhà máy, cũng như sự nỗ lực không ngừng vươn lên của tập thể cán bộ, công nhân viên trong đơn vị, tin tưởng rằng Công ty Sông Thu ngày càng lớn mạnh hơn.

Bài và ảnh: Thành Lân

;
.
.
.
.
.