.
KINH DOANH DU LỊCH

Thị trường gần sẽ sớm hồi phục

.

Khách du lịch Âu - Mỹ đến Đà Nẵng và miền Trung tiếp tục sụt giảm mạnh, khoảng 30%. Trong khi đó, những người làm du lịch tin tưởng rằng, lượng khách thị trường châu Á và nội địa sẽ phục hồi vào đầu năm 2010.

Trên 90% hãng lữ hành đã giảm giá tour

Khách Âu - Mỹ sụt giảm, du lịch trông chờ vào luồng khách châu Á và nội địaTRONG ẢNH: Khách Hàn Quốc làm thủ tục tại Sân bay Đà Nẵng.        

Theo dự đoán của giới kinh doanh du lịch, khách ở các thị trường xa như Canada, Mỹ, châu Âu có khả năng sẽ phục hồi rất chậm, vào khoảng nửa cuối năm 2010. Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours tính toán lượng khách giảm tới 40% trong mấy tháng đầu năm, còn con số này ở Công ty Du lịch Vietravel (Chi nhánh Đà Nẵng) là 20%. Nhiều DN tỏ ra khá lo ngại, khi lượng giảm trên được xem là mạnh và lâu nhất trong khoảng 10 năm trở lại.

“Bởi vào thời điểm Việt Nam “dính” dịch cúm, SARS... khách chỉ giảm trong thời gian ngắn 2 - 3 tháng, riêng lần này sẽ kéo dài hơn 1 năm, đôi lúc thị trường gần như đóng băng”, ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vitours nói. Cũng theo ông Dũng, lượng khách Âu - Mỹ sụt chủ yếu do tác động chung của khủng hoảng kinh tế: “Lượng khách đoàn lớn đi theo công ty giảm, còn khách lẻ nếu họ thích Việt Nam thì họ vẫn đi, chứ không phải vì giá giảm 100, 200 USD”.

Tuy nhiên, dự kiến đến đầu năm sau, lượng khách du lịch nội địa và các thị trường gần như Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc... sẽ phục hồi do chính sách giảm giá của Việt Nam. Ông Dũng cho hay, hầu hết các tour của hãng này đã thực hiện giảm giá 10-30%. “Luồng khách châu Á và nội địa rất nhạy về giá.

Theo thông tin tôi nắm được, khoảng 90-95% đơn vị lữ hành miền Trung-Tây Nguyên đã thực hiện giảm giá từ đầu năm 2009 sẽ là cú hích mạnh đối với luồng khách này”, ông giải thích. Còn bà Lê Thị Kim Oanh, Giám đốc Chi nhánh Vietravel Đà Nẵng tin tưởng: “Tác động của khủng hoảng tài chính đối với châu Á không đến nỗi lớn lắm. Hơn nữa, khách châu Á vào Việt Nam chưa nhiều, lần giảm giá này sẽ khuyến khích họ du lịch”. Các hãng sẽ lấy lượng khách nội địa và châu Á bù đắp cho số khách Âu - Mỹ sụt giảm mạnh.

Khách sạn “o bế” lữ hành

Chính vì sự sụt giảm nặng ở hầu hết các thị trường khách, các công ty lữ hành có cơ hội lớn nếu khai thác khách mạnh. Như ông Dũng khẳng định, thời điểm hiện nay được xem như “thời kỳ của lữ hành”: “Những đơn vị lữ hành có tiềm lực mạnh được các khách sạn “o bế”. Nếu trước đây, vào các mùa cao điểm, lữ hành thường khốn đốn vì “cháy” phòng, giá khách sạn tăng, bây giờ gần như lúc nào cũng có phòng. Lữ hành có thể chủ động điều phối thị trường và thực hiện xúc tiến, quảng bá tour mạnh dạn hơn”. Bà Oanh cho rằng, điều này đúng đối với các khách sạn 3 sao trở xuống, còn các khách sạn, resort 4-5 sao do có lượng khách ổn định nên vẫn giữ nguyên giá, thậm chí còn tăng 20-40% so với giá năm 2008.

Hơn lúc nào hết, vấn đề liên kết để thu hút khách được các nhà làm du lịch nói đến nhiều nhất. Theo ông Võ Minh Trung, Phó Giám đốc Trung tâm điều hành du lịch Danatours, hiện hãng này đang tận dụng mối quan hệ với các nhà cung ứng dịch vụ, để cùng giảm giá tour dịp thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2009 và tour hè xuống thêm 10-20%. Ngoài ra, ông Dũng cho rằng, bên cạnh công cụ giá, ngành du lịch cần gia tăng các công cụ khác như:

đặt ra chiến lược khai thác riêng đối với từng thị trường khách, đẩy mạnh các sản phẩm mang tính liên kết khu vực mới có thể khai thác được khách ở thị trường thứ 3, liên kết giữa lữ hành với các đơn vị cung ứng (khách sạn, nhà hàng, vận chuyển), ngành du lịch địa phương phối hợp với DN thực hiện chiến dịch quảng bá, xúc tiến du lịch, tạo nên sức mạnh chung là điều cần thiết.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.