.

Những bất cập từ mô hình vườn trong đô thị

.

Mô hình vườn trong đô thị là một hướng đi mới của người nông dân Đà Nẵng khi thành phố tiến hành việc giải tỏa, thu hồi đất phục vụ cho quá trình chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, hướng đi này đang có  không ít những bất cập.

Thuê, mượn đất để làm vườn

Trồng hoa trong chậu là một trong những giải pháp mà các hộ làm vườn ở đô thị lựa chọn để khắc phục vấn đề nan giải: thiếu đất.

Vấn đề nan giải nhất mà người làm vườn ở vùng đô thị đang gặp phải là việc thiếu đất để canh tác. Trong nhiều năm qua, công tác giải tỏa, thu hồi đất phục vụ cho quá trình chỉnh trang đô thị đã làm người nông dân bị mất dần đất sản xuất, kéo theo đó là sự giảm sút về hiệu quả và quy mô của mô hình kinh tế vườn.
 
Hiện nay, đất vườn trồng hoa, cây cảnh chiếm hơn 95% diện tích đất vườn trong các khu đô thị, nhưng cũng có đến hơn 90% chủ vườn không phải là chủ đất. Để khắc phục khó khăn, phần lớn các hộ làm vườn đều tìm cách mượn đất, thuê đất. Đất mượn chủ yếu là những lô đất đã có chủ, nhưng còn để hoang chưa xây dựng, còn đất thuê phải về Cẩm Lệ, Hòa Vang mới có.

Anh Nguyễn Văn Xí, tổ 51- Bình An, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, một chủ vườn hoa cho biết: “Gia đình tôi vốn có truyền thống làm vườn hoa cây cảnh hơn 20 năm nay với vốn đất ban đầu hơn 3.000 mét vuông. Nhưng từ 5 năm trở lại đây phải đi mượn đất để duy trì cái nghề của mình. Đất mượn chủ yếu không phải trả tiền. Nhưng không được lâu dài vì họ bắt trả lại lúc nào không biết.
 
Bởi vậy nên hiện nay trồng hoa ai cũng trồng trong chậu, phòng khi phải trả đất còn mang theo được, mặc dù trồng theo kiểu này rất bất tiện và tốn công chăm sóc”. Tương tự hoàn cảnh của anh Xí, 5 năm qua, bác Nguyễn Hòa ở tổ 16 phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê đã trồng hoa trên 2.500 mét vuông đất thuê, nhưng vừa hết mùa hoa Tết năm nay, bác Hòa phải trả lại đất cho phường. Những ngày này, cả gia đình tập trung chuyển toàn bộ hơn 2.000 chậu hoa lên Phước Tường, quận Cẩm Lệ, nơi bác vừa thuê được 1.000 mét vuông đất để tiếp tục làm vườn, mặc dù biết sẽ phải tốn nhiều công sức hơn cho việc chăm bón và vận chuyển.

Trong khi các hộ trồng hoa cây cảnh bị ảnh hưởng và lệ thuộc nhiều vào chuyện đất đai thì những mô hình khác như làm nấm, cải mầm tuy không cần nhiều diện tích đất nhưng vẫn chưa phát huy được hiệu quả.

Chỉ là giải pháp tạm thời

“Những người dân như chúng tôi gần cả đời đã gắn bó với nghề trồng hoa rồi, giờ thay đổi chẳng biết bắt đầu từ mô.

Chúng tôi chỉ mong muốn thành phố quy hoạch cho một vùng đất để bà con có thể gom về đó mà làm, giữ cho được cái nghề.  Mấy năm qua chúng tôi đã đi tìm rồi, cũng phát hiện ra một vùng đất có thể làm được, nhưng thuê rẻ người ta không chịu, đành mơ ước thôi”, anh Xí tâm sự.

Thiếu đất canh tác, nhiều hộ dân ở các vùng đô thị như Thanh Khê, Hải Châu đã phải từ bỏ cái nghề mà mình đeo đuổi trong thời gian dài. Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) cho biết: “Bây giờ nói đến làm vườn khó lắm. Phường Hòa Cường Bắc vốn được xem là vùng hoa lớn của thành phố. Hơn 5 năm về trước, phải đến mấy trăm hộ có vườn hoa cây cảnh, nhưng bây giờ chỉ còn chưa đến 58 hộ, trong đó có hơn 10 hộ đang phải đi thuê đất ở Quân khu 5 và Hòa Vang, Cẩm Lệ. Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, chỉ vài năm nữa là người dân trong phường không có đất để mượn”.

“Thiếu đất, người dân cứ phải “du canh du cư” đi mượn, đi thuê đất trống để làm vườn, nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế, không phát triển bền vững được. Bây giờ mà cứ phải đi thuê, đi mượn đất thì làm sao có được những vườn cây, vườn hoa đạt hiệu quả cao về số lượng và chất lượng. Trong tương lai phải hướng đến trồng những loại cây vừa có giá trị kinh tế, vừa chiếm ít đất. Chúng tôi cũng đang cố gắng tìm đất để giới thiệu cho người dân đi thuê; đồng thời tìm cách cho người dân vay vốn để chuyển đổi sản xuất, chứ không thể để họ “chết” theo nghề được”, ông Đào Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân quận Thanh Khê nói.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA
;
.
.
.
.
.