Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 131/QĐ-TTg về việc hỗ trợ 4% lãi suất (LS), các ngân hàng thương mại đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Trong đó, có một phần không nhỏ để cho các DN xuất nhập khẩu vay. Tuy nhiên, nhiều DN xuất nhập khẩu hiện nay đang cân nhắc chưa dám vay vốn, vì vướng mắc trong khâu trả nợ mà cụ thể là cam kết phải bán lại ngoại tệ cho ngân hàng đúng bằng giá vào thời điểm được giải ngân…
Doanh nghiệp nhập khẩu đang phân vân với việc chọn vay VND hay USD. |
Chỉ cần tỷ giá USD biến động tăng khoảng 1.000 đồng/USD thì doanh nghiệp vay 1 triệu USD đã lỗ đến 1 tỷ đồng. Bài học về sự biến động tỷ giá trong năm trước đã khiến hàng trăm DN xuất khẩu lao đao vì lỡ vay USD trong lúc tỷ giá thấp, đến lúc trả nợ tỷ giá tăng quá cao có lúc tăng đến 19.200 đồng/USD.
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phong Phú Thịnh cho biết: Không chỉ gặp khó khi tỷ giá USD biến động mà doanh nghiệp còn phải đối phó với việc khách hàng thông báo giảm về số lượng nhập hàng, rồi còn yêu cầu giảm giá hàng thấp hơn năm trước, khiến không ít các DN thiếu đơn đặt hàng. Đầu ra đang là nỗi lo chung của hầu hết các DN xuất khẩu hiện nay.
Theo báo cáo từ Bộ Công thương, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong tháng 1-2009 giảm ở hầu hết các mặt hàng và giảm 24,2% so với cùng kỳ năm trước; trong khi đó kim ngạch hàng hóa nhập khẩu cũng giảm đến 44,8%. Điều này phần nào phản ánh được khó khăn chung của các DN, trong đó có DN xuất nhập khẩu.
Hiện nay, đã có hàng loạt ngân hàng thương mại công bố chương trình cho vay bù lãi suất, trong đó một số ngân hàng cho biết mức tài trợ xuất khẩu trước khi giao hàng lãi suất ở khoảng 5%/năm. Với DN tham gia chương trình tài trợ xuất khẩu VND, lãi suất sẽ còn khoảng từ 1,2-2%/năm (sau khi đã trừ 4% hỗ trợ lãi suất của Chính phủ).
Nhập hàng qua cảng Tiên Sa. |
|
Nhận định được khó khăn này của DN, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam đã triển khai gói sản phẩm mới đối với các sản phẩm cho vay tiền đồng với lãi suất USD, để cho các DN lựa chọn với các mức lãi suất khác nhau tùy thuộc mức độ cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng.
Cụ thể như: sau khi được hưởng hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp có thể vay tiền đồng với lãi suất 0,9%/năm nhưng phải cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng với tỷ giá của ngày giải ngân; hay lãi suất 1,4%/năm và bán ngoại tệ cho ngân hàng theo tỷ giá ngày giải ngân cộng 10 đồng/tháng cho mỗi USD. Nếu doanh nghiệp không muốn bán ngoại tệ lại cho ngân hàng thì lãi suất vay sau khi được hỗ trợ sẽ là 4,1%/năm.
Tuy nhiên, theo đại diện một công ty may mặc cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là đầu ra của sản phẩm. Bởi, đầu ra bị thu hẹp thì DN cũng phải giảm bớt số lượng sản phẩm, giảm bớt công nhân, tiết kiệm chi phí…
Bài và ảnh: Thành Lân