.

Vài nét về đề án Phố du lịch

.

Thiếu các dịch vụ giải trí về đêm và thói quen đóng cửa tắt đèn sau 22 giờ của các cửa hàng, cửa hiệu ở trung tâm thành phố khiến cho Đà Nẵng thiếu hấp dẫn du khách, nhất là du khách nước ngoài thường thức khuya, thích tham gia các hoạt động về đêm.

Khu phố này sẽ trở thành phố du lịch, giải trí về đêm với các dịch vụ mua sắm, giải khát, hàng lưu niệm... Ảnh: HẰNG VANG.

Một điều ai cũng nhận thấy là Đà Nẵng có dòng sông Hàn chảy qua thành phố với hai bờ được nâng cấp, tạo nên cảnh quan sạch đẹp mà không khai thác phục vụ du lịch là sự lãng phí vô hình. Và đó luôn là nỗi trăn trở cho những người làm du lịch. Cách đây 3 năm, sau khi bờ đông sông Hàn được nâng cấp, Sở Du lịch (cũ) đã làm đề án phố đi bộ Bạch Đằng nhưng có nhiều lý do đề án không được lãnh đạo thành phố chấp thuận.

Nay đề án Phố du lịch trên đường Bạch Đằng đang được Sở VH-TT và DL hoàn chỉnh và sẽ gửi các ban, ngành góp ý trước khi trình UBND thành phố, nếu được chấp thuận, đề án sẽ được triển khai trong năm 2009.

Mục tiêu của đề án là hình thành sản phẩm du lịch mới trên cơ sở khai thác lợi thế cảnh quan hai bờ sông Hàn, mà điểm nhấn là đường Bạch Đằng gắn với chiếc cầu quay được xem là biểu tượng của một Đà Nẵng năng động.

Phố du lịch sẽ được phát triển theo nguyên tắc tôn trọng không gian, cảnh quan hiện có, trang trí làm đẹp hai bờ sông, phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch nhằm tạo ra tuyến phố tham quan, mua sắm, đi bộ, thư giãn, ngắm cảnh, đặc biệt là kéo dài thời gian phục vụ về đêm. Vào dịp cuối tuần, lễ, Tết có thể tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ trên vỉa hè bờ đông và trên bến sông, từng bước hình thành khu phố du lịch sống động, làm điểm nhấn quan trọng trên bản đồ du lịch thành phố.

Vị trí được chọn là đoạn đường nối từ Bảo tàng Chăm đến trước trụ sở UBND thành phố với độ dài 1,5km. Qua khảo sát, hiện có 101 chủ sở hữu gồm nhà ở, công sở, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trong đó 56/101 cơ sở đang kinh doanh các dịch vụ phục vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn, vũ trường, quầy bar, café - giải khát, hàng lưu niệm, văn hóa phẩm, bưu điện, ngân hàng và các dịch vụ mua sắm khác. Như vậy, có đến 50% cơ sở có thể đưa vào danh mục phục vụ du lịch.

Vậy nhưng hiện tại, các cơ sở này chưa coi trọng hình thức phục vụ, từ cách bài trí bên ngoài đến hệ thống trang trí chiếu sáng ban đêm. Đó là chưa kể nhiều nơi bán sản phẩm gây ô nhiễm như các cửa hàng bán thịt gà sống, than tổ ong phía sau chợ Hàn và khu vực giao lộ Bạch Đằng - Nguyễn Thái Học, khiến cho tình trạng rác thải, ô nhiễm môi trường diễn ra hằng ngày, mất mỹ quan đô thị.

Theo đề án, sẽ lắp đặt 2 cổng chào hình vòm được gắn 2 màn hình LCD cỡ lớn quảng bá cho du lịch và quảng cáo sản phẩm của các nhà tài trợ. Suốt tuyến sẽ trang trí ánh sáng về đêm rực rỡ (như trong dịp thi Bắn pháo hoa quốc tế 2009), tạo sự khác biệt cho phố du lịch. Tại các điểm nhấn trên vỉa hè phía đông sử dụng nghệ thuật sắp đặt để tạo nền cho phố du lịch (có thể là đá Non Nước, các tượng bằng gốm…), hệ thống loa đặt rải rác phát đi tiếng nhạc du dương cả ngày đêm.

Các chậu hoa lớn được đặt dọc hai mép bờ sông, đèn lồng, đèn nghệ thuật với nhiều màu sắc sặc sỡ sẽ tạo hiệu quả về ánh sáng. Đặc biệt tại khu vực trước Bảo tàng điêu khắc Chăm, trước trụ sở UBND thành phố (điểm đầu và cuối phố đi bộ) sẽ được trang trí đèn nhiều màu lấp lánh. Riêng trước trụ sở  các cơ quan, đơn vị, khách sạn, nhà hàng, yêu cầu chủ sở hữu tự trang trí theo mô hình chung thống nhất.

Cụm dịch vụ phục vụ mua sắm có cả những shop hàng hiệu đắt tiền (mặt sau chợ Hàn và trong tòa nhà Indochina) với hàng thời trang, hàng lưu niệm đa dạng chủng loại. Vào dịp Tết, cuối năm sẽ có chương trình giảm giá, khuyến mại. Ngoài ra, dành một khu vực vỉa hè bờ đông (đối diện cơ quan Hải quan Đà Nẵng) kéo dài đến chợ Hàn cho phép các xe đẩy bán hàng may mặc, giày dép giá rẻ. Suốt tuyến sẽ hình thành 2 trung tâm thông tin du lịch và các quán café cao cấp, café nhạc sống và các quán bar, các quán thức ăn nhanh phục vụ cho khách nước ngoài.

Cuối tuần có thể có chương trình dạy nấu ăn, pha chế cocktail, cắt tỉa trái cây trang trí… Dự kiến những năm đầu có chính sách giảm thuế, cho vay ưu đãi cho những nhà dân, các chủ cơ sở kinh doanh những mặt hàng  phục vụ du lịch. Vào dịp lễ, Tết sẽ có hoạt động nghệ thuật (sân khấu ngoài trời) như ảo thuật, giới thiệu thời trang, các hoạt động vui chơi cho thiếu nhi…

Đó là các hoạt động trên bờ, còn dưới sông sẽ tổ chức các thuyền du ngoạn trên sông Hàn, có ca nhạc trên thuyền, cuối tuần có thể bán hoa đăng cho du khách thả trôi dọc sông Hàn.

Dự kiến, đây là đề án huy động xã hội hóa 50% từ các đơn vị tài trợ, các đơn vị du lịch cần quảng cáo thương hiệu, các sản phẩm hàng hiệu có tiếng… Nhà nước chỉ lắp đặt cổng chào, trang trí ánh sáng, lắp đặt nhà vệ sinh công cộng, quy hoạch điểm đỗ xe…
 
Các cơ sở đang kinh doanh tự trang trí cơ sở mình, các nhà đầu tư khác muốn kinh doanh dịch vụ tại đây như café, giải khát, bán hàng lưu niệm… phải đầu tư theo mô hình được duyệt. Các “đại gia” như Indochina Tower, khách sạn Green Plaza, các ngân hàng sẽ là những đơn vị đi đầu trong việc trang trí ánh sáng, tổ chức các dịch vụ cao cấp. Sẽ hình thành Ban quản lý phố du lịch để quản lý về an ninh, vệ sinh môi trường…Làm được những điều trên, sẽ có thêm một sản phẩm du lịch hấp dẫn để níu giữ chân du khách ở lại với Đà Nẵng.

DƯƠNG THỊ THƠ

;
.
.
.
.
.