.

Văn hóa doanh nghiệp trong ngành Điện

.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là ngành kinh tế đầu tiên đã xây dựng và phổ biến các nội dung quy định về văn hóa doanh nghiệp trong ngành từ năm 2009 với tiêu đề “Văn hóa Tập đoàn Điện lực Việt Nam” gồm những nội dung ngắn gọn, cụ thể, thuyết phục.
 
Mô tả ảnh.
Công nhân Xí nghiệp Cao thế đang duy tu, sửa chữa đường dây, bảo đảm dòng điện thông suốt.
Chẳng hạn như tại phần 3, mục 1 có ghi: EVN cam kết hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao phó là bảo đảm cung cấp điện với chất lượng ổn định, an toàn, tin cậy cho sự phát triển của đất nước Việt Nam. Hoặc như cam kết với người lao động là luôn bảo đảm ổn định việc làm và đời sống của người lao động. Trong công việc thì mọi lời nói, hành động phải tuân thủ theo pháp luật và quy định của EVN. Đối với khách hàng, phải lịch sự, lễ phép, đúng hẹn, giải quyết rõ ràng những thắc mắc của khách hàng… Tùy theo từng vùng miền, với những nhiệm vụ cụ thể mà các Tổng Công ty, các Điện lực trực thuộc của EVN đã có các quy định riêng nhằm triển khai và cụ thể hóa “Văn hóa Tập đoàn Điện lực Việt Nam” cho phù hợp.

Điện lực Đà Nẵng đã có chương trình “3 không, 3 có” rất ngắn gọn, dễ nhớ là: 3 không gồm không đi trễ, về sớm; không làm việc riêng trong giờ hành chính, hội họp; không vi phạm các quy định về sử dụng trang phục khi làm việc, hội họp, giao tiếp khách hàng. 3 có là: Có tinh thần trách nhiệm cao, làm việc có năng suất - chất lượng - hiệu quả; có ý thức giữ gìn, bảo quản tài sản, phương tiện làm việc, uy tín thương hiệu của tập đoàn, công ty, triệt để thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí (tắt điện, quạt, điều hòa khi ra khỏi phòng làm việc, sử dụng văn phòng phẩm, vật tư, nguyên nhiên vật liệu tiết kiệm); có tinh thần hợp tác, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp khi gặp khó khăn, sống có trách nhiệm, có nghĩa tình.
 
Qua quá trình thực hiện, hàng trăm công trình do Điện lực Đà Nẵng triển khai phục vụ cho sự phát triển của ngành, cũng như phục vụ công cuộc chỉnh trang đô thị của thành phố. Đặc biệt, sau một thời gian triển khai “Văn hóa Tập đoàn Điện lực Việt Nam”, số vụ kiện tụng, khiếu nại của khách hàng đã giảm trên 90%. Nguyên nhân chính là do thái độ và tinh thần phục vụ của CNLĐ trong công ty đã được nâng lên ngang tầm với nhiệm vụ. Hầu hết các vụ khiếu kiện được giải quyết thấu tình, đạt lý, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đơn cử như việc di dời những cột điện (đã được quy hoạch, xây dựng trước khi có nhà dân) đến vị trí thích hợp để khỏi ảnh hưởng đến mỹ quan ngôi nhà mới của người dân. Việc làm thủ tục, lắp đặt đường dây, công tơ điện cho các thuê bao mới trong thời gian rất ngắn, có khi là trong ngày theo yêu cầu của khách hàng, đúng với khẩu hiệu “Khách hàng là thượng đế”.

Điện lực Quảng Nam thì coi văn hóa doanh nghiệp như quy định của EVN là tài sản vô hình của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Điện lực Quảng Nam, cho rằng: Sự thành đạt của doanh nghiệp là biết duy trì, giữ gìn và phát huy văn hóa doanh nghiệp riêng có của mình. Đồng thời, doanh nghiệp nào có nền văn hóa tốt sẽ là những doanh nghiệp dễ thành công trên thương trường. Sự thành công trong văn hóa doanh nghiệp của công ty là sự đoàn kết nội bộ, cùng nhau vượt qua khó khăn vươn lên, đưa Điện lực Quảng Nam có bước phát triển vượt bậc.
 
Hàng chục công trình cấp điện cho miền núi đã được triển khai đúng hẹn, mang lại hiệu quả rất tốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc ít người còn nhiều khó khăn, góp phần quan trọng và việc thực hiện thành công  chương trình “xóa đói, giảm nghèo” của tỉnh. Đó là kết quả của những năm tháng miệt mài “cõng điện lên non” để phục vụ đồng bào dân tộc với bao gian nan vất vả. Chỉ riêng trong năm 2010, Điện lực Quảng Nam đã tiếp nhận, cải tạo và bán điện trực tiếp cho 185 ngàn hộ dân của cả tỉnh với giá quy định.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong ngành Điện, đặc biệt là ở Điện lực Quảng Nam và Điện lực Đà Nẵng tuy còn mới mẻ nhưng qua hơn 3 năm triển khai đã xây dựng được hình ảnh đẹp của người thợ điện trong cộng đồng, củng cố thương hiệu của đơn vị.

Bài và ảnh: Đức Thịnh
;
.
.
.
.
.