Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về cải cách thủ tục hành chính và tính minh bạch. Nhưng có lẽ thành quả đó cần phải được nhìn nhận ở một góc độ nhạy cảm hơn, không phải là sự đánh giá của người dân mà là sự đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp (DN). Trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, DN buộc phải cắt giảm nhiều chi phí nhưng riêng chi phí không chính thức liên quan đến hoạt động quản lý Nhà nước trong điều hành nền kinh tế thì khó giảm!
Cải cách thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. |
Giám đốc một DN nằm trong trường hợp giải tỏa bàn giao mặt bằng cho các dự án tại phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) cho biết họ chỉ được nhận tiền đền bù cho 2ha diện tích mặt nước nuôi tôm. Phần diện tích vượt, theo quy định của thành phố không được đền bù, nếu DN muốn được đền bù thì phải “chung chi” theo gợi ý của cán bộ cơ quan thực thi giải phóng mặt bằng. Thấy thu không đủ bù chi để “bôi trơn” hoặc khiếu kiện, DN đã bỏ cuộc. Nhưng cũng có DN nuôi trồng thủy sản với diện tích mặt nước vượt trên 2ha, đành phải “chung chi”, chạy chọt để được tăng bồi thường. Chi phí cho cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến tiếp cận đất đai cũng được các DN cho là nóng nhất hiện nay. “Các hợp đồng đất rơi vào tay các DN có liên kết chặt với chính quyền” theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng (DISED). Có DN tiết lộ, chi phí này rất nhiều và được tính theo phần trăm trên tổng tiền sử dụng đất.
Một số DN cho biết, để có được hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan Nhà nước, hầu như tất cả các DN đều phải trả tiền hoa hồng, nhờ người quen giới thiệu, mở chi nhánh gần cơ quan Nhà nước để dễ dàng tiếp cận khách hàng tiềm năng, tham gia các buổi họp, buổi gặp gỡ của cơ quan Nhà nước để tiếp xúc cán bộ có liên quan. Nhưng tóm lại, nếu đã chi những khoản không chính thức theo yêu cầu, công việc của DN sẽ được giải quyết như mong muốn.
Chi phí không chính thức và tính minh bạch là hai chỉ số tưởng chừng như liên quan chặt chẽ nhưng thật ra, dù có minh bạch đến đâu thì vẫn có những kẽ hở để hình thành chi phí không chính thức. Ông Nguyễn Cường, Giám đốc VCCI Đà Nẵng đưa ra ví dụ, “Mặc dù các quy định thủ tục hành chính của Nhà nước đã công khai, minh bạch nhưng nếu DN có “quan hệ tốt” thì được giải quyết sớm hơn thời gian quy định”.
Hiệp hội DN vừa và nhỏ thành phố thẳng thắn nhìn nhận, cơ hội tạo ra chi phí không chính thức hay môi trường kinh doanh không lành mạnh một phần do các chủ DN tiếp tay, một phần do công tác quản lý, giáo dục cán bộ, công chức còn lỏng lẻo và chưa được quan tâm đúng mực, dẫn đến ý thức trách nhiệm làm công bộc sa sút.
Trong số 63 tỉnh, thành cả nước, chỉ số chi phí không chính thức của Đà Nẵng năm 2010 đứng vị trí 45 và 2011 ở vị trí 40, theo kết quả khảo sát 6 tháng đầu năm nay có phần tiếp tục suy giảm. Đây là chỉ số còn quá nhiều dư địa để cải thiện nhưng thật sự chưa được quan tâm. Nếu chỉ số này được cải cách mạnh mẽ, thứ hạng PCI của Đà Nẵng sẽ tăng đáng kể. Những chỉ số về đào tạo lao động, hỗ trợ DN dù Đà Nẵng tụt hạng nhưng vẫn ở vị trí cao thì lại được coi trọng quá mức để cải thiện. Phải chăng, việc cải thiện chỉ số chi phí không chính thức gặp nhiều khó khăn hoặc chưa có động lực để chính quyền lưu tâm?
Ông Lê Văn Hiểu, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, đề nghị thành phố cần có hàng loạt các giải pháp để giảm chi phí không chính thức cho DN như thành phố cần công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án đầu tư, đấu thầu mua sắm công, giảm cấp tham mưu không cần thiết trong việc ra quyết định, tăng cường quản lý, rà soát các vị trí công tác nhạy cảm, xử lý nghiêm minh trong việc vi phạm và có hệ thống tư pháp cho phép DN tố cáo các hành vi nhận hối lộ, tham nhũng của cán bộ công chức, ngoài ra cần phải bảo đảm đời sống cho cán bộ, công chức.
47,2% DN dân doanh trên địa bàn thành phố được khảo sát tiết lộ phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức; 44,9% DN phản ánh tình trạng nhũng nhiễu của các cơ quan quản lý Nhà nước khi giải quyết các thủ tục cho DN. 18,3% DN tiết lộ phải “bồi dưỡng” cho cán bộ ngân hàng để được vay vốn. 5 cơ quan Nhà nước mà các DN phản ảnh gây cản trở khó khăn nhiều nhất cho môi trường kinh doanh lần lượt là: Quản lý thị trường, thuế, hải quan, công an kinh tế, cảnh sát giao thông. (Số liệu nghiên cứu khảo sát gần 180 DN dân doanh của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng (DISED) thực hiện 6 tháng đầu năm 2012) |
Bài và ảnh: THU PHƯƠNG