.

Nhộn nhịp trà chanh vỉa hè

.

Hơn một tháng nay, trên vỉa hè các tuyến đường lớn như Nguyễn Văn Linh, Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương, Bạch Đằng (gần chân cầu Thuận Phước)… tấp nập các quán trà chanh. Các bạn trẻ Đà Nẵng đón nhận văn hóa trà chanh một cách ồ ạt và nhanh chóng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là sức khỏe của người tiêu dùng có được bảo đảm hay không thì chưa thấy cơ quan chức năng nào kiểm định.

Mỗi chiều, trà chanh vỉa hè đông kín người.
Mỗi chiều, trà chanh vỉa hè đông kín người.

Quán trà mọc như nấm

Buổi tối, dạo một vòng quanh thành phố, người đi đường dễ dàng bắt gặp hàng loạt quán trà chanh trên các vỉa hè. Xe cộ, bàn ghế tấp đầy vỉa hè, choán hết chỗ dành cho người đi bộ.

Điều dễ nhận thấy là các bạn trẻ Đà Nẵng đón nhận văn hóa trà chanh vỉa hè khá nhanh. Dọc hai bên tuyến đường Nguyễn Văn Linh là những tấm biển treo tạm ghi các thức uống như: sấu đá, me đá… và tấm biển nào cũng kèm theo dòng chữ “Trà chanh Hà Nội”. Vì vậy, thay vì hẹn nhau ở các quán cà-phê, sinh viên và nhiều thanh niên đã chọn quán trà chanh để tám chuyện.

Bên ly trà chanh, đĩa hạt dưa hoặc hướng dương, Đặng Huy Hoàng (sinh viên Trường ĐH Duy Tân) cho biết, từ lúc có trà chanh, nhóm bạn của Hoàng đã chuyển hẳn địa điểm từ quán cà-phê ra vỉa hè, vừa rẻ, vừa thoáng mát.

Giá mỗi ly trà chanh, sấu đá, me đá chỉ khoảng 6.000-7.000 đồng, nên không riêng học sinh, sinh viên mà cả những người đi làm cũng thích ngồi uống nước, cắn hạt dưa, tám chuyện ở vỉa hè. Chỉ trong thời gian rất ngắn, các quán trà chanh đã mọc lên như nấm, nhiều sinh viên rủ nhau kinh doanh mặt hàng này. Chỉ cần một ít ly cốc, vài chục chiếc ghế, ít nước trà, lọ sấu ngâm là thành một quán trà chanh. Tuy nhiên, sau khi thị sát ở một vài quán trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Linh thì kết quả khá bất ngờ, bởi ly trà chanh nhạt nhẽo, không thấy vị trà, chỉ thấy một vài lát chanh và đá, nước sấu có màu đùng đục.

Đang là sinh viên một trường ĐH trên địa bàn thành phố, thấy bạn trẻ rất thích loại thức uống này, Tú và vài người bạn cũng mở một quán nhỏ. Khi được hỏi về chất lượng trà, Tú thật thà: “Em chưa uống trà chanh Hà Nội, nhưng thấy nhiều quán bán đông khách quá nên tự học công thức trên mạng rồi pha chế bán”.

An toàn vệ sinh?

Dù là quán vỉa hè với chỗ ngồi tạm bợ nhưng quán nào cũng rất đông khách. Nhiều quán đông khách, ly cốc ít, chủ quán chỉ tráng qua một lượt nước rồi dùng để pha chế nước cho người dùng sau.

Theo một số nghiên cứu, 90% các loại bệnh đưa vào cơ thể người dùng qua đường miệng. Trà chanh là một loại giải khát, nhưng lại được bán ở vỉa hè với giá thành thấp do nhiều người mở ra tự phát, không hề được quản lý và kiểm định. Vì thế, các khâu trong pha chế không bảo đảm vệ sinh chính là điều kiện để lây lan các bệnh từ người này sang người khác.

Ngoài ra, quán nằm ở vỉa hè, không được phép kinh doanh, việc tụ tập đông người, lấn chiếm vỉa hè buôn bán, giữ xe ảnh hưởng đến an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Lúc này, rất cần đến vai trò của các cơ quan chức năng để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.

Bài và ảnh: CAO MINH

;
.
.
.
.
.