(ĐNĐT) -Sáng 24-8, tại Đà Nẵng, Cục công nghiệp địa phương- Bộ Công thương phối hợp với Sở Công thương thành phố tổ chức Hội nghị ngành công thương 14 tỉnh thành miền Trung -Tây Nguyên lần thứ 5 năm 2012, nhằm đánh giá kết quả đạt được và thảo luận các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Quang cảnh hội nghị |
Tới dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa, Phó chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND một số tỉnh thành miền Trung –Tây Nguyên và lãnh đạo Sở Công thương 14 tỉnh thành.
Đánh giá tại Hội nghị cho thấy, mặc dù tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng hoạt động ngành công thương vùng duyên hải Miền trung- Tây Nguyên khá ổn định và duy trì được mức tăng trưởng. Riêng 7 tháng đầu năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng đạt trên 66 ngàn tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt gần 188 ngàn tỷ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ. Kết quả này bắt nguồn từ nhiều giải pháp, từ chính sách kích cầu của Chính phủ đến công tác đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn của từng địa phương, sự liên kết hỗ trợ nhau, đặc biệt là trong xúc tiến thương mại của các sở công thương trong khu vực. Tuy nhiên, cái khó nhất là hiện nay là hầu hết DN khu vực miền Trung – Tây nguyên có quy mô khá nhỏ, sức mua yếu, hạ tầng phục vụ công nghiệp còn hạn chế, trong khi đó, nền kinh tế lại đang tiếp tục khó khăn.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của sở Công Thương 14 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung – Tây Nguyên trong việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để ổn định và phát triển sản xuất trong bối cảnh hiện nay. Do đó, từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương tiếp tục có nhiều chương trình xúc tiến thương mại đến các thị trường châu Âu, Nhật Bản để giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ. Các địa phương cần nắm bắt để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp. Về nội dung hợp tác liên kết giữa các địa phương trong vùng, đây là một yêu cầu cần thiết. Song, để phát triển lâu dài, bền vững, các Sở Công Thương cần rà soát, xây dựng quy hoạch công nghiệp – thương mại của địa phương, trên cơ sở đó, xây dựng mối liên kết hợp tác với các tỉnh, thành trong vùng để cùng phát triển. Việc hợp tác, liên kết phải sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, đồng thời cần có giải pháp cụ thể, phải xây dựng các phương án cụ thể, tránh liên kết theo phong trào. Có như thế việc liên kết mới phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, của vùng. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, để vượt qua trở lực này, phía Chính phủ và các bộ ngành chắc chắn sẽ có thêm những cơ chế chính sách hỗ trợ. Trước hết, sở công thương của 14 tỉnh thành cần chủ động hơn nữa, tăng cường tính liên kết vùng, có cơ chế phối hợp trong công tác quản lý ngành, đẩy mạnh hợp tác đầu tư, liên kết sản xuất, cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.
Tin và ảnh: Duyên Anh