.

Phát triển thị trường lao động chất lượng

.

Thị trường lao động Đà Nẵng đang có chiều hướng phát triển tốt theo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhưng cần tiếp tục có sự định hướng chiến lược cụ thể. Việc chủ động gắn kết giữa doanh nghiệp (DN) và cơ sở đào tạo đang trở thành một nhu cầu bức bách cho sự phát triển của cả hai phía.

Học nghề tại Trường Trung cấp nghề Việt Úc.
Học nghề tại Trường Trung cấp nghề Việt Úc.

Thiếu lao động phổ thông là điều đáng mừng!   

Một trong những lợi thế cạnh tranh hấp dẫn đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời kỳ mở cửa là lực lượng lao động dồi dào và giá rẻ. Chỉ tính riêng 6 KCN của thành phố đã thu hút hơn 60 ngàn lao động. Nhưng trong đó phần lớn là lao động phổ thông chưa qua đào tạo và chủ yếu từ vùng nông thôn hoặc đến từ các địa phương lân cận.

Từ đầu năm đến nay, nhiều DN trong các KCN như Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa,  Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng, Công ty May mặc The Blues, Công ty CP Thủy sản và thương mại  Thuận Phước... thông báo tuyển dụng lao động phổ thông trả trên mức lương tối thiểu đi kèm với một số chính sách ưu đãi khác nhưng vẫn không đạt chỉ tiêu tuyển dụng. Đối với DN, đây là sự hụt hẫng và họ cho rằng thị trường lao động cung không đủ cầu. Nhưng nếu nhìn nhận sâu xa và khách quan thì đây là bước nhảy vọt và chuyển biến cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Chất lượng nguồn lao động đã được nâng lên, đối tượng qua đào tạo tăng và họ mong muốn tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực chuyên môn cũng như mức lương xứng đáng.

Một vài DN đón đầu và tiếp cận xu hướng mới của nền kinh tế tri thức, gắn việc nâng giá trị gia tăng và sức cạnh tranh với chiến lược đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo kế hoạch, Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng sẽ tăng 100% sản lượng vào năm 2013 so với 2012 nhưng số lượng lao động không thay đổi, khoảng 5.300 người (trong đó chỉ có 800 lao động phổ thông của Đà Nẵng). Thay vào đó, công ty sẽ tổ chức đào tạo lại để người lao động có thể tiếp cận với công nghệ mới hơn. Công ty TNHH Điện tử Foster tại KCN Hòa Cầm cũng là đơn vị tiên phong trả lương vượt xa mức quy định tối thiểu nhưng tuyển dụng người lao động phải qua đào tạo, không còn là lao động phổ thông. Hệ thống máy móc, công nghệ cũ được công ty chuyển về các cơ sở sản xuất ở những vùng có lực lượng lao động phổ thông dồi dào hơn.

Trình độ, khả năng tiếp cận công nghệ của lực lượng lao động trong KCN phản ánh văn minh công nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương. Do vậy, sự thiếu hụt lao động phổ thông dẫn đến nhu cầu thay đổi công nghệ để phù hợp với lực lượng sản xuất trong tình hình mới là một tín hiệu đáng mừng trong cơ cấu thị trường lao động của thành phố.

Đào tạo từ nhu cầu DN

Một nghiên cứu mới đây của Trường ĐH Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh đã công bố 45% lao động phổ thông đã qua đào tạo được đào tạo bổ sung kỹ năng mới cho phù hợp với công nghệ sản xuất của các DN trong KCN. Lý do chính là việc đào tạo ở các trường nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của DN. Đến nay, nhiều KCN đã xây dựng các cơ sở dạy nghề như Trường nghề KCN Dung Quất, Trung tâm Dạy nghề Việt Nam - Singapore, Trường nghề Nghi Sơn, Trường Kỹ nghệ Thừa Thiên-Huế... Đặc biệt, đã hình thành mô hình liên kết đào tạo và sử dụng nhân lực giữa các KCN và nhà trường... KCN tự đào tạo nghề là hướng rất quan trọng để giải quyết tình trạng thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật hiện nay.

Còn tại thành phố Đà Nẵng, các trường nghề vẫn hoạt động khá độc lập. Sự gắn kết đào tạo có địa chỉ, gắn với sử dụng của DN và các ngành kinh tế ưu tiên vẫn còn manh mún. Đơn cử, du lịch là ngành được báo động liên tục về thiếu hụt nguồn nhân lực nhưng không phải DN nào cũng liên kết với cơ sở đào tạo để đón đầu. Ông Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Việt Úc, cho rằng chỉ có ít nhà đầu tư nước ngoài liên kết, hợp tác đào tạo đón đầu dự án, còn lại hầu hết DN mới cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực chuyên nghiệp của DN cũ.

Đề cập đến vấn đề đào tạo nghề, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, nêu rõ quan điểm trường nghề công lập chỉ tập trung đào tạo những ngành nghề mà các trường dân lập không đủ điều kiện đầu tư. Vì vậy, DN phải chủ động tạo nguồn nhân lực ngay từ cơ sở đào tạo, tránh lãng phí đào tạo lại vì khập khiễng hoặc sai nhu cầu.

Nhân lực chất lượng cao

Không chỉ Đà Nẵng mà các tỉnh, thành khu vực miền Trung đều bắt đầu quan tâm đến chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cũng thể hiện thiện chí thu hút nhân tài bằng giải pháp đề nghị thành phố “cho mượn” những học viên đã tốt nghiệp từ đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố. Khu Công nghệ cao và khu CNTT tập trung Đà Nẵng đã manh nha hình thành về hạ tầng phần cứng, nhưng phần mềm là những ngành nghề gì thì vẫn chưa cụ thể. Do đó, định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, công nhân kỹ thuật lành nghề vẫn còn bỏ ngỏ.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng mới đây cho thấy, cơ cấu nhân lực của Đà Nẵng năm 2010 là 1- 0,3- 0,5 (cứ 1 lao động trình độ cao đẳng, đại học thì chỉ có 0,3 lao động trình độ trung cấp và 0,5 lao động trình độ công nhân kỹ thuật). Theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến, sản xuất sẽ phát triển khi có một cơ cấu đội ngũ nhân lực hợp lý và có cơ cấu trình độ chuyên môn kỹ thuật tương ứng là 1- 4 - 10. Điều này cho thấy Đà Nẵng đang trong tình trạng thiếu đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, đã qua đào tạo bài bản. Lộ trình khắc phục ngắn hay dài còn tùy thuộc vào tầm nhìn, nhận thức của DN, cơ sở đào tạo và định hướng của thành phố.

Bài và ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN
 

;
.
.
.
.
.