Ngày 26-11, tại thành phố Fukuoka, Nhật Bản, Tổ chức Định cư con người Liên Hiệp Quốc tại châu Á (UN Habitat châu Á) trao tặng thành phố Đà Nẵng giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á năm 2013”. Đà Nẵng và Hội An là 2 thành phố của Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng này.
Đà Nẵng luôn chú trọng xây dựng đô thị hài hòa với không gian văn hóa. Ảnh: Ông Văn Sinh |
Từ tháng 9-2013, thông qua tổ chức UN Habitat Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Đô thị châu Á của thành phố Fukuoka (Nhật Bản), Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng và Sở Tài nguyên-Môi trường gửi hồ sơ tham gia đăng ký giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á năm 2013”.
Giải thưởng Phong cảnh thành phố châu Á (gọi tắt là ATA) là giải thưởng quốc tế được thành lập năm 2010 bởi sự phối hợp của 4 tổ chức: Văn phòng Tổ chức định cư con người Liên Hợp Quốc vùng châu Á - Thái Bình Dương, Ủy ban định cư châu Á, Tổ chức thiết kế phong cảnh châu Á và Trung tâm nghiên cứu đô thị thành phố Fukuoka, với mục tiêu công nhận một môi trường sống thoải mái, hạnh phúc cho người dân châu Á. Năm 2012, có 9 thành phố của 4 quốc gia đã được chọn lựa trao giải tổ chức tại thành phố Fukuoka. Lễ trao giải thưởng 2013 cho các thành phố của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và vùng Đông Nam Á được tổ chức tại thành phố Fukuoka, Nhật Bản. Giải thưởng năm nay Việt Nam có thành phố Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam). NAM PHƯƠNG |
Giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á” nhằm vinh danh những thành phố, vùng miền, dự án… được xem là điển hình trong kiến thiết cảnh quan. Với chủ đề “Thành phố, niềm tự hào của người dân”, UN Habitat xét thưởng dựa trên các tiêu chí đánh giá qua 5 nội dung chính: Sự kết hợp hài hòa giữa môi trường địa phương và môi trường khu vực để đánh giá sự liên kết hài hòa với môi trường sinh thái và nền tảng nhân văn của thành phố. Tiêu chí an toàn, thuận tiện và bền vững thông qua đánh giá mức độ an toàn, an ninh và thoải mái (an toàn và tiện nghi) và bền vững của thành phố.
Tiêu chí tôn trọng văn hóa và lịch sử của địa phương và khu vực với việc xem xét sự kết hợp của thành phố với quang cảnh đường phố địa phương và phong cách sống (tính liên tục), sự hài hòa với lịch sử và văn hóa truyền thống địa phương. Tiêu chí chất lượng thẩm mỹ cao, đánh giá sự sáng tạo và sự hoàn chỉnh ở mức độ cao của thành phố. Tiêu chí về những đóng góp cho phát triển địa phương, khả năng trở thành điển hình cho các thành phố khác thể hiện qua đánh giá sự công nhận người dân địa phương đối với thành phố và đóng góp của thành phố vào sự phát triển của địa phương. Kèm theo đó, tiêu chí này cũng đánh giá khả năng trở thành điển hình cho các dự án xây dựng cảnh quan và đô thị khác của thành phố.
Được biết, UN Habitat có đại diện tại Việt Nam để triển khai các chương trình hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, xây dựng và phát triển thành phố sinh thái. Trong đó, đối với sự phát triển liên minh các đô thị, tổ chức tập trung vào hoạt động nâng cao năng lực, đánh giá đô thị hóa, nâng cấp đô thị…
UN Habitat tại Việt Nam đã phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam tổ chức “Diễn đàn tăng trưởng xanh” kể từ tháng 6-2013. Trước đó, tháng 4-2013, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng phối hợp với UN Habitat triển khai nghiên cứu “Sáng kiến chiến lược hướng đến tăng trưởng xanh trong chiến lược phát triển thành phố Đà Nẵng”, mở đường cho việc xây dựng “Chiến lược phát triển thành phố Đà Nẵng hướng đến tăng trưởng xanh”. Bà Juhuyn Lee, chuyên gia đô thị UN Habitat, tư vấn chương trình tại Đà Nẵng, đưa ra nhận định: “Tăng trưởng xanh là con đường ngắn nhất hướng tới sự phát triển kinh tế bền vững. Trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2025, Đà Nẵng là trung tâm kinh tế-xã hội, giao thông vận tải, du lịch, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ cao. Để đạt được điều này, Đà Nẵng nên phát triển công nghiệp, dịch vụ giá trị gia tăng cao để tạo động lực tăng trưởng mới cho thành phố; đồng thời khai thác và sử dụng đất hiệu quả trong quá trình đô thị hóa cũng như phát triển môi trường sống sạch và chất lượng cao, có khả năng ứng phó với thiên tai...”.
Qua sự kiện thành phố nhận Giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn bày tỏ phấn khởi bởi giải được trao từ tổ chức UN Habitat rất có uy tín trên toàn cầu. Cùng với giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN năm 2011”, giải thưởng lần này thêm một lần nữa ghi nhận những nỗ lực trong những năm qua của chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng trong việc xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường, thành phố đáng sống, là trung tâm của sự phát triển. Đây thực sự thương hiệu mạnh cho Đà Nẵng trong hội nhập và phát triển.
Ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng) Nhận được giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á 2013”, là cơ quan tham mưu, chúng tôi cảm thấy rất tự hào và thấy giải thưởng này trao cho Đà Nẵng cũng rất phù hợp. Giải thưởng này được trao xuất phát từ những tiêu chí trong lộ trình Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”. Trong đó chú trọng đến tiêu chí xây dựng thành phố Đà Nẵng xanh - sạch - đẹp. Ngoài việc làm tốt công tác bảo vệ môi trường chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác về lĩnh vực môi trường với các địa phương trong khu vực, như hợp tác với thành phố Hội An trong lĩnh vực xây dựng thành phố sinh thái hay với thành phố Huế trong dự án cân bằng carbon... Sau khi nhận được giải thưởng, ngành môi trường thành phố quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án “Thành phố môi trường” sao cho đến năm 2020 đạt được các tiêu chí đề ra. Với sự nỗ lực của thành phố và các cấp, các ngành liên quan, chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường. Làm sao tuyên truyền và phát huy hiệu quả của phong trào Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp, huy động được các tầng lớp nhân dân chung tay xây dựng thành phố môi trường, lúc đó mới giữ vững và xứng đáng với giải thưởng này. (THANH TÌNH ghi) |
TRIỆU TÙNG