.

Thỏa ước lao động tập thể: Yếu tố bảo đảm sự ổn định doanh nghiệp

.

Bộ luật Lao động 2012 đã được Quốc hội thông qua ngày 18-6-2012 có nhiều điểm mới về quan hệ lao động trong doanh nghiệp, cơ quan…Trong đó, đáng chú ý là ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) giữa tập thể người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) về các điều kiện lao động (định mức lao động, thời gian, thù lao…).

Người lao động Công ty CP quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân biểu quyết thông qua nghị quyết của Công đoàn.
Người lao động Công ty CP quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân biểu quyết thông qua nghị quyết của Công đoàn.

Điều 73, Bộ luật Lao động 2012 quy định: TƯLĐTT là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và NSDLĐ về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể. Điểm mới của việc ký TƯLĐTT là chỉ đưa vào TƯLĐTT những điều khoản đã được thương lượng giữa 2 bên mà có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của luật (còn những quyền lợi khác mà NLĐ được hưởng theo quy định của luật thì mặc nhiên NSDLĐ phải thực hiện). Ngoài ra, các điều khoản và những nội dung khác phải đạt được mục đích cuối cùng là góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Vì vậy, quá trình tiến tới việc ký kết TƯLĐTT được chia làm 2 giai đoạn là thương lượng và ký kết. Mục đích của thương lượng là xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Xác lập các điều kiện lao động mới làm căn cứ để tiến hành ký kết thỏa ước lao động tập thể, giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Theo quy định, mỗi bên đều có quyền yêu cầu tiến hành thương lượng khi có nhu cầu. Khi một bên có nhu cầu thì bên còn lại phải tiếp nhận đề xuất và tổ chức họp để thương lượng với thời gian không quá 30 ngày. Trường hợp một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn quy định (tại Điều 68) thì bên kia có quyền tiến hành các thủ tục yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật (Tòa án và các cơ quan pháp luật).

Đối với NLĐ (Công đoàn là người đại diện), mọi điều khoản thương lượng phải được tập hợp, lấy ý kiến của NLĐ thông qua các hình thức như: Hội nghị NLĐ hoặc Đại hội công nhân, viên chức và lấy ý kiến trực tiếp NLĐ. Các nội dung này phải được thông báo đến từng NLĐ góp ý, sửa đổi và thông báo cho NSDLĐ biết, chậm nhất 5 ngày, trước khi bắt đầu phiên họp thương lượng tập thể. Đối với NSDLĐ cũng tương tự như vậy, nếu xét thấy cần thương lượng một số điều khoản mới do sản xuất… phát sinh, cũng phải thông báo yêu cầu cho đại diện NLĐ và NLĐ được biết.

Ký kết TƯLĐ, sau khi 2 bên thống nhất nội dung thương lượng, Ban chấp hành Công đoàn cơ sở (BCHCĐCS) tiến hành trích những nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật, đã được 2 bên thống nhất đưa vào nội dung của TƯLĐTT và lập thành bản Thỏa ước lao động tập thể. Đồng thời, tiến hành gửi bản dự thảo TƯLĐTT về Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để tiến hành rà soát và kiểm tra lại các nội dung trước khi gửi cho NSDLĐ ký kết hoặc tổ chức ký kết ngay tại Hội nghị người lao động hoặc Đại hội công nhân, viên chức. Ngoài việc mỗi bên giữ một bản để thực hiện thì TƯLĐTT phải gửi tới các cơ quan chức năng là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công đoàn cấp trên biết để giám sát và đôn đốc thực hiện.

TƯLĐTT là một trong những nội dung quan trọng nhất của bộ Luật Công đoàn 2012. Việc tuyên truyền, vận động để tất cả các doanh nghiệp có được tổ chức Công đoàn cơ sở và ký kết được TƯLĐTT là nhân tố quyết định sự thành công của việc đưa bộ luật này vào cuộc sống. Song để thực hiện được mục tiêu này, ngoài sự nỗ lực của các cấp Công đoàn và NLĐ, rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.